Mất thính lực vì sử dụng tai nghe không đúng cách

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng một tỷ thanh niên toàn cầu có nguy cơ bị mất thính lực vì thói quen nghe không an toàn.
06/12/2020 22:45

Trong khi tản bộ vào buổi sáng, băng qua đường, đi tàu điện ngầm, xe buýt, nhâm nhi ly cà phê... suốt ngày bạn sẽ liên tục bắt gặp một ai đó đang nghe nhạc hoặc nói chuyện qua tai nghe của họ. Việc đeo tai nghe nhiều có thể sẽ giúp bạn không làm phiền đến những người xung quanh nhưng chắc chắn bạn đang tự làm hại bản thân mình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng một tỷ thanh niên trên toàn cầu có nguy cơ bị mất thính lực vì thói quen nghe không an toàn.

Mối quan tâm chính đối với tai nghe là cường độ âm lượng mà nó tác động. Tai nghe có khả năng tạo ra mức âm thanh rất lớn ảnh hưởng sát tai và vì thế chúng cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng không phải lúc nào vấn đề cũng nằm ở âm lượng của tai nghe mà nó còn liên quan đến thời lượng sử dụng. Bên cạnh đó, tai nghe thường tiếp xúc với vi khuẩn vì nó được đặt ở rất nhiều nơi. Ngoài ra, dùng chung tai nghe cũng dễ làm lây truyền vi khuẩn và ảnh hưởng có hại.

2146498

Tác động của tai nghe lên thính lực con người

Tai nghe tạo ra sóng âm truyền đến tai chúng ta, khiến cho màng nhĩ rung lên. Rung động này lan truyền đến phần tai trong qua các xương nhỏ và chạm đến ốc tai, một khoang nằm ở tai trong chứa đầy chất dịch và hàng nghìn "sợi lông" nhỏ.

Khi rung động đến ốc tai, chất lỏng dịch chuyển làm cho các sợi lông cũng chuyển động. Âm thanh càng lớn thì độ rung càng mạnh và các sợi lông chuyển động càng nhiều.

Việc nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài và liên tục sẽ khiến cho các tế bào lông mất đi độ nhạy cảm với rung động.

Đôi khi, âm thanh lớn cũng dẫn đến việc các tế bào bị uốn cong hoặc gấp khúc dẫn đến mất thính giác tạm thời. Các tế bào lông có thể phục hồi hoặc không sau khi chịu những tác động rất lớn này.

Tuy nhiên, ngay cả khi phục hồi được, chúng cũng không thể hoạt động trở lại bình thường như trước. Hậu quả là người dùng bị mất thính lực hoặc điếc vĩnh viễn.

Tác dụng phụ của việc sử dụng tai nghe

Vấn đề không chỉ nằm ở âm lượng bạn nghe thông qua những thiết bị đeo mà còn bởi thời lượng sử dụng. Thính lực có thể giảm do tiếng ồn (NIHL).

Bên cạnh đó, khi các tế bào lông bị tổn thương trong ốc tai có thể gây ra những tiếng ù ù, vo ve hoặc tiếng hét trong tai hoặc đầu.

Đồng thời, hơn 50% những người bị ù tai cũng có xu hướng nhạy cảm cao với âm thanh môi trường bình thường.

Một số người dử dụng tai nghe nhiều có thể bị chóng mặt. Sự gia tăng áp lực bên trong ống tai do tiếng ồn lớn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Vì tai nghe (dạng in-ear) được đặt trực tiếp vào ống tai, nên chúng sẽ chặn luồng không khí đi qua, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong tai. Việc sử dụng tai nghe thường xuyên cũng làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn.

Những vi khuẩn này ở trên tai nghe và khi sử dụng nhiều sẽ lây nhiễm sang tai. Khi dùng chung tai nghe, cùng một loại vi khuẩn từ tai người này sẽ truyền sang tai người khác, đồng thời khiến người đó bị nhiễm trùng tai nghiêm trọng.

Ngoài ra, sử dụng tai nghe trong thời gian dài cũng làm gia tăng nhiều ráy tai, làm tăng nguy cơ ù tai, khó nghe, đau và viêm tai dai dẳng.

Việc sử dụng tai nghe trong thời gian dài cũng như nút tai không vừa vặn có thể gây ra cơn đau lan đến tai trong, dẫn đến đau nhức ở những vùng lân cận, ví dụ như từ hàm đến đỉnh đầu.

Thậm chí, các sóng điện từ mà tai nghe tạo ra cũng có thể ảnh hưởng đến não bộ về lâu dài. Mức độ tiếng ồn với cường độ âm thanh lớn làm kéo đi lớp cách điện từ các sợi thần kinh mang tín hiệu từ tai đến não. Nhiễm trùng tai cũng có thể ảnh hưởng đến não.

Làm thế nào để tránh bị tổn thương?

Các mẹo dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa tổn thương thính giác do tai nghe:

- Thay đổi cơ bản nhất là không sử dụng với âm lượng quá lớn và sử dụng tai nghe khử ồn.

- Chọn tai nghe loại over-ear để tránh âm thanh rung động trực tiếp đến màng nhĩ cũng như tiếp xúc trực tiếp với ống tai.

- Thường xuyên vệ sinh tai nghe để ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn, mồ hôi và da bong tróc.

- Tránh sử dụng tai nghe khi đi ô tô, xe buýt, tàu hỏa hoặc thậm chí đi bộ. Di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng vốn đã ồn ào, làm tăng thêm mức decibel do âm thanh xung quanh.

Theo Zing.vn

comment Bình luận

largeer