Miền Bắc chuyển lạnh sâu đột ngột, cẩn thận chứng bệnh về da rất dễ phát sinh này!

Không gây bệnh nghiêm trọng nhưng cước chân tay có thể khiến bạn đau nhức, khó chịu không thể tập trung làm bất cứ việc gì.
16/12/2020 16:27

Cước chân tay - Chứng bệnh dễ phát khi trời chuyển lạnh sâu đột ngột

Hà Nội cùng các tỉnh miền Bắc chính thức bước vào đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa đông năm 2020. Kéo theo đó, những chứng bệnh về da là điều mọi người cần cẩn trọng. Mặc dù không gây ra những tổn thương ghê gớm nhưng bệnh về da phát sinh vào mùa đông có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu trong cuộc sống hàng ngày. Cước chân tay là một trong những chứng bệnh có thể gây ảnh hưởng như vậy.

Theo Viện Mayo, bệnh cước chân tay là tình trạng viêm đau các mạch máu nhỏ trên da của bạn xảy ra do tiếp xúc nhiều lần với không khí lạnh nhưng chưa đến độ đóng băng. Bệnh có thể gây ngứa, xuất hiện các mảng đỏ, sưng và phồng rộp trên bàn tay và bàn chân.

c4-16080052795161086169654

Cước chân tay thường hết trong vòng 1-3 tuần, đặc biệt nếu thời tiết ấm lên. Bạn có thể bị tái phát theo mùa trong nhiều năm. Mặc dù ban đầu không phải căn bệnh quá nghiêm trọng nhưng tình trạng cước chân tay có thể dẫn tới nhiễm trùng, gây tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Theo BS Nguyễn Thành (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), tiếp xúc nhiều với không khí hay nước lạnh khi nhiệt độ giảm sâu như hiện nay có thể dẫn tới những chứng bệnh phổ biến nhất là cước tay chân và nổi mề đay.

Chuyên gia nhận định, chứng cước chân tay có thể có các triệu chứng cụ thể như xuất hiện các vùng đỏ nhỏ, ngứa trên da, thường ở chân hoặc tay, có thể bị phồng rộp hoặc loét da, sưng da, cảm giác bỏng rát trên da.

Hiện tượng này cứ diễn ra thường xuyên mà không có giải pháp ngăn chặn sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí không làm được gì. "Nếu nặng hơn, người bị cước chân tay có thể gặp các biến chứng ở hệ tuần hoàn, động mạch, viêm phế quản mãn tính", BS Nguyễn Thành nhấn mạnh.

Phòng tránh nhiễm lạnh vào những ngày rét đậm, ngăn chặn nguy cơ bị cước tay chân

Theo BS Nguyễn Thành, để tránh nhiễm lạnh vào những ngày rét đậm như hiện nay, ngăn chặn nguy cơ cước chân tay cùng nhiều bệnh da mùa đông khác, bạn cần chú ý giữ ấm đôi chân bằng việc xỏ tất, đi giày hoặc bốt cao cổ, không nên mặc quần rách để gió lùa vào chân, rất dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.

Khi đi ngoài đường cũng cần xỏ găng tay, nhất là những người đi xe máy vì gió rất lạnh và buốt, nếu không tay sẽ cử động kém linh hoạt. Quàng khăn, đội mũ kín, hạn chế tối đa gió lùa vào tai, mặt, đầu. Hạn chế tiếp xúc với nước lạnh và các loại hóa chất tẩy rửa, khi tiếp xúc có thể thay thế bằng nước ấm và sử dụng găng tay đi kèm.

c3-16080052794961207169906

Đặc biệt, khi tay chân lạnh phát cước, mọi người lưu ý không được tránh gãi mạnh mà chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng để tránh lở loét, phồng rộp da. Không được tự ý bôi thuốc mà cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị kịp thời nếu tay chân tay bị nứt do gãi vì cước.

Lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết thêm, để phòng tránh nhiễm lạnh dẫn đến nổi mề đay, cước tay chân, trước khi đi ngủ, chúng ta nên ngâm chân và tay vào nước ấm nóng pha muối và gừng hoặc chút tinh dầu sẽ giúp cơ thể ấm áp, tránh được nhiều bệnh thường gặp vào mùa đông. Chuyên gia nhấn mạnh, đôi chân đặc biệt cần chăm sóc chỉn chu.

"Ở bàn chân có gan bàn chân. Lá gan bàn chân rất quan trọng. Lá gan này có khỏe mạnh thì cơ thể chúng ta mới khỏe mạnh và ngược lại. Đó là lý do vì sao người ta nói chỉ cần massage bàn chân là không cần xoa bóp, bấm huyệt tại những khu vực khác trên cơ thể nhưng vẫn đem lại hiệu quả chữa bệnh nhất định", vị lương y này cho hay. Hơn nữa, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian mỗi ngày trước khi ngủ là bạn đã có thể có một giấc ngủ ngon và vô vàn những lợi ích khác cho sức khỏe.

Giới chuyên gia khuyên, để phòng chống nhiễm lạnh cơ thể nói chung, trong quá trình làm việc chú ý thường xuyên vận động, làm một vài động tác thể dục ngay tại văn phòng để làm nóng cơ thể hiệu quả. Nên uống đủ nước để phòng nhiều bệnh vào mùa đông. Khi bị cước chân tay cần kiêng ăn hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, rượu, bia… để ngăn chặn phát cước, sưng ngứa.

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc

comment Bình luận

largeer