Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc

Chiều ngày 18/1, Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
18/01/2023 18:40

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Tờ trình được dựa trên cơ sở ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Công văn số 5091 ngày 17/1, ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tại Công văn 43 ngày 17/1.

nguyen-xuan-phuc-1513

Ông Nguyễn Xuân Phúc

Tờ trình cũng nêu rõ, theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, vì vậy, khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên thôi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh.

Sau khi nghe tờ trình, các đại biểu đã tiến hành quy trình bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Kết quả, 465/482 (chiếm 93,75%) đại biểu tán thành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Điều 93 Hiến pháp quy định: Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới. Hiện Phó Chủ tịch nước là bà Võ Thị Ánh Xuân.

Trước đó, vào chiều ngày 17/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo nhận định của Ban Chấp hành Trung ương, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Chiều ngày 18/1, cuối phiên làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ 3, thông báo tới đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước sẽ thực hiện quyền Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

ba-vo-thi-anh-xuan-1-17331262

Bà Võ Thị Ánh Xuân - Quyền Chủ tịch nước

Bà Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho tới khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới thay ông Nguyễn Xuân Phúc vừa được miễn nhiệm.

Việc bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền Chủ tịch nước được thực hiện theo Hiến pháp 2013, trong đó, quy định trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer