Nên dùng kem chống nắng vật lý hay hóa học?

Trên thị trường hiện nay, có nhiều mẫu mã đa dạng về kem chống nắng và được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Nhìn chung, kem chống nắng có hai loại chính là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học giúp tránh tác hại từ tia UV, bảo vệ làn da.
20/05/2025 15:56

Kem chống nắng vật lý là gì?

Kem chống nắng vật lý (hay còn gọi là sunblock hoặc physical sunscreen) là loại kem chống nắng hoạt động bằng cách tạo một lớp màng chắn trên bề mặt da, giúp phản xạ và khuếch tán tia UV và ngăn không cho tia UV xuyên vào da. Kem chống nắng vật lý thường gồm các thành phần: titanium dioxide, zinc oxide, sắt oxide, magie silicat. Cơ chế hoạt động của loại kem chống nắng này được hiểu đơn giản như một lớp áo bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.

Empty

Kem chống nắng vật lý phù hợp với da nhạy cảm

Ưu điểm và hạn chế của kem chống nắng vật lý

Với thành phần khoáng chất tự nhiên (Zinc Oxide, Titanium Dioxide) nên kem chống nắng vật lý phù hợp với da nhạy cảm, da mụn, da em bé hoặc da sau điều trị. Đặc biệt, khi sử dụng các dòng kem chống nắng vật lý, chúng ta có thể ra ngoài hoạt động ngay mà không cần chờ 10-15 phút để chúng phát huy tác dụng như dòng kem chống nắng hóa học. Điểm cộng của kem chống nắng vật lý phù hợp cho da nhạy cảm, da dễ kích ứng, bảo vệ khỏi các tia UVA và UVB. Thời gian hoạt động của lớp kem giữ trong thời gian dài mà không cần thoa lại nhiều lần.

Kem chống nắng vật lý thường có chất kem khá dày và đặc, dễ gây bí da và bít tắc lỗ chân lông, từ đó có thể dẫn đến tình trạng nổi mụn. Ngoài ra, dòng kem chống nắng này có xu hướng làm da đổ dầu, xỉn màu và không phù hợp cho các hoạt động ngoài trời kéo dài hoặc khi tiếp xúc với nước, vì cần được thoa lại nhiều lần để duy trì hiệu quả bảo vệ. Về mặt thẩm mỹ, kem thường để lại lớp màng trắng trên da, không tiệp với tông da tự nhiên.

Kem chống nắng hóa học là gì?

Kem chống nắng hóa học (chemical sunscreen) là loại kem chống nắng hoạt động bằng cách hấp thụ tia UV, sau đó chuyển hóa chúng thành nhiệt và giải phóng khỏi da. Khác với kem chống nắng vật lý tạo màng phản xạ, loại này thẩm thấu vào da và phản ứng hóa học với tia UV để ngăn hại cho da. Bảng thành phần của kem chống nắng hóa học thường bao gồm: Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone, Homosalate, Octisalate, Octinoxate, Octocrylene.

`1

Kem chống nắng hóa học hoạt động bằng cách hấp thụ tia UV

Ưu điểm:

Kem chống nắng hóa học có kết cấu mỏng nhẹ, ít gây nhờn rít và dễ tiệp với màu da, giúp việc thoa đều trở nên thuận tiện hơn. Nhờ đặc điểm này, sản phẩm có thể được sử dụng như một lớp kem lót trang điểm. Bên cạnh đó, kem chống nắng hóa học được sản xuất với nhiều loại và chỉ số SPF đa dạng, đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng khác nhau của người tiêu dùng.

Khuyết điểm:

Kem chống nắng hóa học có thể gây kích ứng da và nổi mụn, đặc biệt ở những người có làn da nhạy cảm; đồng thời, độ SPF càng cao càng làm tăng nguy cơ kích ứng. Do tính kém bền vững dưới tác động của ánh sáng và mồ hôi, sản phẩm cần được thoa lại sau mỗi hai tiếng để duy trì hiệu quả bảo vệ. Khi tiếp xúc với vùng mắt, kem có thể gây cay rát. Quá trình hấp thụ tia UV, chuyển đổi thành nhiệt và giải phóng nhiệt từ sâu trong da cũng có thể làm tăng nhiệt độ bề mặt, kích thích sự hình thành và đậm màu của các đốm sắc tố sẵn có, dẫn đến hiện tượng da sẫm màu hơn.

Bảo Thi (tổng hợp)

comment Bình luận