Mổ 'bắt con' thành công cho sản phụ bị nhau cài răng lược có nhóm máu cực hiếm

Mới đây, ngân hàng máu của Bệnh viện Từ Dũ đã phải phối hợp với ngân hàng máu Bệnh viện Chợ Rẫy và Truyền máu Huyết học để thu thập đủ lượng máu cần truyền trước mổ cho một sản phụ bị nhau cài răng lược có nhóm máu cực hiếm.
18/11/2020 06:45

Bệnh viện Từ Dũ ngày 17-11 cho biết đã phẫu thuật thành công cho một sản phụ thai 34 tuần có nhóm máu bị nhau cài răng lược thể Percreta. Đây được xem là nhau cài răng lược thể trầm trọng nhất, do bánh nhau xuyên qua hết lớp cơ tử cung và bám đến thành bàng quang ở phía trước.

zalo-2-1605614028699100821619

Sản phụ và con khỏe mạnh sau ca mổ - Ảnh: NGỌC DIỆP

Bác sĩ Vương Đình Bảo Anh - trưởng khoa Sản (Bệnh viện Từ Dũ) - cho biết sản phụ có thai lại sau 2 lần mổ lấy thai trước đó. Lúc thai 13 tuần, các bác sĩ tuyến dưới phát hiện bánh nhau bám gần vị trí vết mổ lấy thai cũ.

Quá trình thăm khám tại Bệnh viện Từ Dũ các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp thai kỳ nguy cơ cao. Cuối tháng 10 lúc thai 33 tuần 3 ngày, các bác sĩ xác định thai ngôi ngang, nhau tiền đạo loại III-IV, nhau cài răng lược thể Percreta, thiếu máu mạn tính, nhóm máu hiếm Rhesus âm. Đây là nhóm máu rất hiếm, chỉ có ở khoảng 0.04% người Việt.

Bác sĩ Anh đánh giá, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất máu nặng trước hoặc sau sinh, gây thiếu hụt thể tích tuần hoàn đột ngột, có thể dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong. Do đó, được lên kế hoạch mổ lấy thai lúc 34 tuần.

Để chuẩn bị cho ca mổ đặc biệt này, ngoài chuẩn bị máu dự trù máu, bệnh nhân cần được bồi hoàn máu hiếm. Tuy nhiên, do ngân hàng máu Bệnh viện Từ Dũ không đủ đáp ứng buộc phải phối hợp với ngân hàng máu Bệnh viện Chợ Rẫy và Truyền máu Huyết học để thu thập đủ máu cần truyền cho bệnh nhân trước mổ. Qua đó giúp bệnh nhân nâng được Hb (phân tử protein có trong hồng cầu) lên 11g/L.

"Rất may mắn, cuộc mổ đã diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch và lượng máu mất chỉ 300mL, vì vậy bệnh nhân không cần phải truyền máu. Sau mổ lượng Hb của bệnh nhân vẫn duy trì ở mức 11g/L, còn tình trạng em bé sau sinh được chăm sóc tại khoa sơ sinh chỉ sau 3 ngày đã về với mẹ, sức khỏe bé rất tốt", bác sĩ Anh chia sẻ.

Mỗi năm có trên 300 trường hợp nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là một tình trạng nguy hiểm của thai kỳ, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ bánh nhau phát triển sâu vào lớp cơ tử cung. Bình thường bánh nhau sẽ bám vào lớp màng đệm và sẽ bong hoàn toàn sau sinh. Với nhau cài răng lược, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau không thể bong ra được do dính chặt vào lớp cơ tử cung. Điều này sẽ gây chảy máu nặng sau sinh.

Một nghiên cứu năm 2016 tại Mỹ cho thấy tỉ lệ nhau cài răng lược là 1/272 thai kỳ. Nhau cài răng lược trong dân số chung ngày càng tăng một phần do tỉ lệ mổ lấy thai tăng. Theo thống kê, mỗi năm có trên 300 trường hợp nhau cài răng lược được phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ.

Theo Tuổi Trẻ

comment Bình luận

largeer