Mỗi năm 70% chất thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp đe dọa nghiêm trọng môi trường, sức khỏe

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước là khoảng 16 triệu tấn/năm, ước tính mỗi năm tăng thêm 10%. Trong khi đó, hình thức xử lý rác về cơ bản vẫn là chôn lấp, về lâu dài gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
24/09/2020 11:54

Khối lượng ngày một tăng

Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình phát sinh chất thải rắn trong những năm gần đây rất phức tạp, thành phần chất thải rắn đô thị đa dạng, ngày càng gia tăng về khối lượng. Ước tính tỷ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt mỗi năm khoảng 8-10%. Trong đó, bình quân 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý là 9.583 tấn/ngày. Đây là khối lượng rất lớn, vì vậy việc phân loại thu gom và xử lý chất thải rắn rất quan trọng, đặc biệt là chất thải sinh hoạt để không làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, mỹ quan của thành phố.

Riêng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn ước khoảng 350-400 tấn/ngày và chất thải y tế nguy hại khoảng 21,4 tấn/ngày. Chất thải nguy hại có đủ thành phần ăn mòn, cháy nổ, hoạt tính và độc hại; trong đó, thành phần ăn mòn, cháy và độc hại chiếm tỷ lệ cao nhất, các chất hoạt tính rất ít. Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt, compost và tái chế chiếm tỷ lệ 31%; chôn lấp chiếm tỷ lệ 69%.

Tại tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.397 tấn/ngày, đã thu gom và xử lý 1.245 tấn/ngày, đạt 93,5%. Rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý chủ yếu bằng hai phương pháp chôn lấp và đốt. Cụ thể, có 5 địa phương xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 4 địa phương xử lý bằng cả 2 phương pháp đốt và chôn lấp; 5 địa phương xử lý hoàn toàn bằng phương pháp đốt.

Các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện đúng theo quy hoạch; các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn mới đều được đầu tư xây dựng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Tuy nhiên, một số bãi chôn lấp chất thải rắn được hình thành từ lâu tại địa bàn các huyện vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường theo quy định. Việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn đảm bảo yêu cầu về môi trường cần có vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, không đủ nguồn lực đầu tư cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Còn tại tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cho biết, hiện tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, trên địa bàn tỉnh xác định 6 khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, cấp huyện. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện được 2/6 khu xử lý, gồm: Khu liên hiệp xử lý Việt Hồng tại huyện Thanh Hà với 2 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, công suất thiết kế 200 tấn/ngày đêm cho mỗi nhà máy và Khu xử lý Bình Giang tại huyện Bình Giang với 1 nhà máy, công suất thiết kế 50 tấn/ngày đêm.

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.072 tấn/ngày. Trong đó, tại đô thị phát sinh khoảng 419 tấn/ngày, tại nông thôn phát sinh khoảng 653 tấn/ngày. Hiện công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị được thực hiện bởi 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã, 4 công ty, tần suất thu gom trung bình là 1 lần/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý tại thành phố Hải Dương đạt khoảng 95%; tại các khu vực đô thị khác đạt khoảng 85%. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đạt khoảng 79%.

Theo ông Nguyễn Dương Thái, biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu là đốt, được khoảng 450 tấn/ngày, còn lại là chôn lấp. Còn với rác thải sinh hoạt tại nông thôn chủ yếu là chôn lấp, xử lý đốt mới đạt khoảng 108 tấn/ngày. Tại khu vực nông thôn hiện có khoảng 835 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 193 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Đầy mạnh phân loại rác tại nguồn

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, việc quản lý và xử lý rác thải đang là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh dẫn đến lượng rác thải phát sinh tăng đột biến. Trong khi đó, công tác quản lý, xử lý rác thải đang còn nhiều bất cập. Điển hình như việc phân công, phân nhiệm trong quản lý chất thải còn chồng chéo và nhiều lỗ hổng; đầu tư tài chính cho quản lý chất thải nguy hại chưa tương xứng; việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải không theo đúng quy định; chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định;...

1(2)

70% rác thải hiện nay được xử lý bằng hình thức chôn lấp (Trong ảnh: một bãi chôn lấp rác thải tại TP. Hồ Chí Minh).

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để quản lý tốt chất thải sinh hoạt, các địa phương cần chủ động ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường để giải quyết các vấn đề cấp bách, cần thiết về môi trường, có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến chất lượng sống của người dân như: Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải; cải tạo cảnh quan môi trường đô thị; các đề án, dự án bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư, thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; huy động các nguồn tài trợ, các nguồn vốn ODA để cải thiện ô nhiễm môi trường và đầu tư các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang triển khai đồng bộ, sâu rộng Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Theo đó, thành phố tiến hành lắp đặt camera giám sát hoạt động tại tất cả các trạm trung chuyển, các nhà máy xử lý chất thải rắn và các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã lắp đặt GPS giám sát hành trình.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đối với 3 dự án xứ lý rác đã được thành phố chấp thuận chủ trương gồm: Dự án đầu tư công nghệ khí hóa kết hợp phát điện của Công ty Trisun với công suất 1.000 tấn/ngày; dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm phân compost của Công ty Tasco với công suất 500 tấn/ngày và dự án xử lý chất thải nguy hại của Công ty Mộc An Châu, công suất 500 tấn/ngày.

Với Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cho biết, giải pháp hữu hiệu để xử lý rác thải là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư thay thế và cải tiến các thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, một số ngành nhạy cảm không thân thiện với môi trường như tái chế phế liệu, mạ cơ khí, luyện kim, sản xuất giấy...

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, nhà nước cần sớm có sự điều chỉnh quy định chính sách theo hướng thống nhất công tác quản lý chất thải, rác thải về một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính, cụ thể, Bộ TN&MT ở cấp Trung ương, Sở TN&MT ở cấp địa phương. Đồng thời, tăng cường rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn, khu xử lý nước thải, đảm bảo đúng quy định về quy hoạch, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, đảm bảo công nghệ xử lý chất thải phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt;...

Theo Tài nguyên - Môi trường

comment Bình luận

largeer