Triển khai hóa đơn điện tử: Cần hỗ trợ hộ kinh doanh vượt qua rào cản công nghệ

Chiều ngày 10/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn “Về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”, nhằm công bố kết quả khảo sát gần 1.400 hộ kinh doanh và ghi nhận những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
11/07/2025 07:15

Tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia, cơ quan thuế và đại diện hộ kinh doanh đều cho rằng, rào cản lớn nhất trong việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) là kỹ năng công nghệ còn hạn chế, đặc biệt ở nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người cao tuổi và các hộ hoạt động lâu năm theo thói quen truyền thống.

Theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh cá thể kê khai theo phương pháp khoán, có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, sẽ phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đồng thời kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế.

Empty

Quang cảnh buổi hội thảo 

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, mặc dù hơn 90% hộ kinh doanh được hỏi biết đến quy định mới, nhưng chỉ khoảng 11% hiểu rõ về cách thức thực hiện. Đáng chú ý, hơn 50% số hộ phản ánh chưa từng được hướng dẫn trực tiếp từ cơ quan thuế hoặc đơn vị chức năng.

Khó khăn lớn nhất mà các hộ kinh doanh gặp phải là thiếu kỹ năng sử dụng thiết bị số và phần mềm quản lý bán hàng. "Nhiều người chưa từng dùng máy tính, máy in hóa đơn hay phần mềm kế toán điện tử. Việc phải tiếp cận công nghệ trong thời gian ngắn gây ra áp lực rất lớn, đặc biệt với những hộ không có nhân sự hỗ trợ", đại diện một hộ kinh doanh tại Hà Nội chia sẻ.

Ngoài yếu tố công nghệ, bài toán chi phí đầu tư ban đầu cũng khiến nhiều hộ băn khoăn. Theo khảo sát, khoảng 53–66% số hộ lo ngại về việc phải chi tiền mua máy tính tiền, phần mềm kế toán, chữ ký số và chi phí vận hành.

Thực tế tại TP.HCM cho thấy, chỉ trong tháng 5/2025 đã có hơn 3.700 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Trong đó, chỉ 440 hộ thực sự thuộc diện bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, cho thấy mức độ lan tỏa của quy định mới còn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều hộ hiểu sai, lo sợ và quyết định ngừng kinh doanh để tránh rủi ro pháp lý. Một bộ phận hộ kinh doanh cũng cho biết họ ngại thay đổi cách làm ăn truyền thống, khi trước đây chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, không lập hóa đơn, và ít tiếp xúc với cơ quan thuế. Việc chuyển đổi sang hình thức điện tử khiến họ mất cảm giác “chủ động” trong vận hành công việc thường ngày.

Empty

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI trình bày một số kết quả Báo cáo đánh giá tác động của quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Kết quả khảo sát phản ánh rõ những khó khăn chính mà hộ kinh doanh đang gặp phải khi triển khai hóa đơn điện tử. Trong đó thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ là khó khăn có nhiều hộ kinh doanh phản ánh nhất, với tỷ lệ 73%; 53% lo ngại thủ tục phức tạp; 49% gặp rào cản trong thay đổi thói quen kinh doanh; 37% thiếu thời gian tìm hiểu và không có đủ vốn đầu tư thiết bị. Ngoài ra, một bộ phận hộ kinh doanh cũng bày tỏ lo ngại về bảo mật dữ liệu khi chuyển sang môi trường số.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định mới.

Trước hết, cần tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cụ thể tại cơ sở thông qua các tài liệu đơn giản như video, infographic, sổ tay hướng dẫn, kết hợp với việc tổ chức tập huấn trực tiếp tại các phường, xã, nơi có nhiều hộ kinh doanh hoạt động.

Bên cạnh đó, đại diện VCCI kiến nghị cơ quan chức năng nên có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm cho hộ kinh doanh, hoặc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, không nên truy thu, xử phạt các hộ chưa kịp triển khai hóa đơn điện tử trong giai đoạn đầu chuyển đổi, tránh gây áp lực tâm lý và tổn hại đến môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, các nhà cung cấp phần mềm cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế để phát triển các ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng, đặc biệt phù hợp với trình độ công nghệ của nhóm người dùng phổ thông.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, mục tiêu cuối cùng của việc triển khai HĐĐT là tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý thuế hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn, các cấp ngành cần chú trọng khâu triển khai tại cơ sở, lắng nghe phản hồi từ người dân, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong suốt quá trình chuyển đổi.

Việc giải quyết các rào cản về kỹ năng công nghệ, chi phí và tâm lý sợ sai sẽ là yếu tố then chốt để chính sách hóa đơn điện tử phát huy hiệu quả, góp phần vào quá trình chuyển đổi số toàn diện trong nền kinh tế.

Nguyễn Nghị - Đức Anh

comment Bình luận