Một bệnh nhân trải qua 11 lần phẫu thuật do di chứng chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông

Trải qua lần phẫu thuật sọ não thứ 11 (7 lần phẫu thuật tại Bệnh viện tuyến tỉnh ở địa phương, 2 lần phẫu thuật tại tuyến Trung ương, 2 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Vĩnh Phúc) cùng quá trình điều trị kiên trì, tình trạng chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông và các di chứng nặng nề của bệnh mang lại cho anh Lê Duy D (1989, Hưng Yên).
03/07/2023 11:08

Giờ đây đã được phục hồi hoàn toàn: Không còn khuyết một bên hộp sọ, không còn những cơn đau đớn dai dẳng kéo dài, không còn viêm rò nhiễm khuẩn… Đó là thành công của các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và là niềm hạnh phúc vô bờ bến của anh D và gia đình.

Vụ tai nạn giao thông của nhiều năm trước đã làm cho anh Lê Duy D (xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) bị chấn thương sọ não nặng. Trải qua 9 lần phẫu thuật tại nhiều cơ sở y tế, nhưng anh D chưa hoàn toàn hồi phục, bị khuyết xương sọ và thường xuyên đau đầu, chóng mặt buồn nôn, liên tục rò mủ chảy qua vết thương. Hành trình trị bệnh kéo dài với những lần đại phẫu nặng nề và sử dụng nhiều loại thuốc trong thời gian dài không mang lại nhiều kết quả, khiến anh D và gia đình vô cùng suy sụp về cả kinh tế và tinh thần.

gt2

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Nhưng không nản lòng, cuối cùng, may mắn cũng đã mỉm cười với sự cố gắng của anh D và gia đình, tháng 11/2022, trong lần đến thăm Vĩnh Phúc, một cơ duyên đã đưa anh D đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Khi đến Bệnh viện, anh D trong tình trạng thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vết rò liên tục chảy mủ. Sau khi bác sĩ thăm khám lâm sàng, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CLVT sọ não và các xét nghiệm cần thiết, anh D được bác sĩ chẩn đoán rò dịch, viêm vết mổ vùng đầu, kèm theo lộ lưới Titan phần trán (đây là một biến chứng hay gặp của phẫu thuật tạo hình che phủ khuyết sọ do da đầu mỏng dần và teo tổ chức phần mềm gây lộ vật liệu tạo hình).

Với tình trạng bệnh của anh D các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh đã tiến hành hội chẩn liên khoa và đưa ra tiến trình điều trị gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Điều trị tình trạng viêm, rò nhiễm khuẩn bằng phương pháp phẫu thuật đóng đường dò dịch não tủy qua xoang trán. Giai đoạn 2: Khi tình trạng sức khỏe anh D ổn định, hồi phục sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình độn khuyết xương sọ bằng xương tự thân và lưới Titan.

Lần phẫu thuật thứ 10, của người bệnh D đã diễn ra vào ngày 2/12. Trong lần phẫu thuật này, các Bác sĩ đã thành công đóng đường dò dịch não tủy qua xoang trán, đồng thời vệ sinh ổ mủ viêm bao phủ vết mổ cũ điều trị dứt điểm tình trạng dò dịch, viêm nhiễm vết mổ vùng đầu. Sau phẫu thuật, người bệnh D có sự phục hồi tốt và xuất viện sau 10 ngày. Trở về nhà, anh D dần bình phục sức khỏe, các triệu chứng đau đầu, buồn nôn đã hết. Sự tiến triển này vượt khỏi sự kỳ vọng của anh D và gia đình, làm tăng thêm niềm tin vào các Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 13/2, anh D đã quyết định nhập viện để thực hiện phẫu thuật lần thứ 11. Qua thăm khám, kiểm tra, các Bác sĩ đã nhận định tình trạng rò dịch, viêm nhiễm khuẩn vùng trán của người bệnh đã không còn nữa, sức khỏe của người bệnh đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thuật tạo hình độn khuyết xương sọ bằng xương tự thân và lưới Titan. Các bác sĩ đã nhanh chóng lên kế hoạch và thực hiện ca phẫu thuật. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, sự kết hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp của ekip phẫu thuật và tinh thần làm việc trách nhiệm hết lòng vì sức khỏe người bệnh. Sau khoảng 2 giờ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công tốt đẹp, toàn bộ vùng sọ bị khuyết của người bệnh đã được vá và tạo hình hoàn thiện.

Chia sẻ về ca bệnh, BS.CKI. Hà Ngọc Linh - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đây là một ca phẫu thuật phức tạp, nền da ở vùng trán của người bệnh rất mỏng và yếu có nguy cơ lộ lưới Titan sau phẫu thuật cao. Vì vậy, chúng tôi phải tính toán rất kỹ lưỡng và cẩn thận, lên kế hoạch, phối, kết hợp rất nhiều phương pháp. Ngoài việc, đặt lưới Titan định hình thì phải kết hợp lấy vùng gân, cơ khác để lót bên dưới. Trong quá trình thực hiện phẫu thuật phải rất thận trọng, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, chỉ cần một chút sai sót là cuộc phẫu thuật sẽ không thể thành công.

Đến nay, đã hơn 4 tháng kể từ lần phẫu thuật cuối cùng, anh D đã hồi phục, anh vui mừng kể lại: Hơn 2 tháng nay, tôi không phải sử dụng loại thuốc nào. Sự phục hồi này là một kỳ tích đối với tôi vì tôi đã quá đau đớn, mệt mỏi và suy sụp bởi các cuộc phẫu thuật trước đó đã không mang lại nhiều kết quả. Tôi đã mất dần hi vọng một ngày nào đó bình phục sức khỏe và ngoại hình như ngày hôm nay. Nhưng thật may mắn cho tôi khi tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và tin tưởng vào tiến trình điều trị của các bác sĩ. Giờ đây, sức khỏe của tôi đã ổn định và tôi đã không còn cảm thấy tự ti về ngoại hình khuyết thiếu như ngày xưa nữa. Cảm ơn các Bác sĩ đã không quản ngại, giúp đỡ và điều trị cho tôi.

Chứng kiến anh D ngày một ổn định, sức khỏe tốt, tự tin với ngoại hình hiện tại. Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vô cùng vui mừng, còn gì có thể hạnh phúc hơn đối với người Bác sĩ khi tận mắt nhìn thấy người bệnh mình điều trị bình phục sức khỏe, lạc quan hơn trong cuộc sống. Thông qua trường hợp người bệnh D các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cũng muốn nhắn gửi đến toàn thể người bệnh: Xin đừng từ bỏ, buông xuôi chính sức khỏe và cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không ngừng tìm kiếm, nỗ lực và cố gắng, cơ hội sẽ luôn đến với chúng ta.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc

comment Bình luận

largeer