Mưa lũ trái mùa gây thiệt hại nặng tại Quảng Trị

Lũ bất ngờ ập đến sau mấy ngày mưa, khiến các cánh đồng ở vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt. Hơn 10.000ha lúa đang thời kỳ làm đồng bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ nông dân tay trắng.
04/04/2022 16:26
31

Nông dân tỉnh Quảng Trị đắp đê cứu lúa

Hàng nghìn hộ dân tay trắng

Từ ngày 31/3-2/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, nhất là khu vực phía Nam tỉnh. Tổng lượng mưa phổ biến 160-380mm, có nơi trên 400mm. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Vụ mùa này, gia đình ông Nguyễn Cư (50 tuổi, trú tại thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) làm gần 1ha lúa. Sau một thời gian chăm bẳm, thì dịp này lúa đang làm đòng, ai cũng mừng vì năm nay hạn hán sẽ không ảnh hưởng đến lúa được. Nhưng mưa lớn lại bất ngờ ập đến. “Nghĩ mưa như mọi năm, ai ngờ nước lên nhanh, ngập hết gần 1 nửa diện tích” - anh Cư, kể.

Giữa mưa rét, từ chiều ngày 1/4, anh Cư cùng các thành viên trong HTX Kim Long (xã Hải Quế) ra đồng đắp đê cứu lúa, họ đổ cát vào các bao tải, rồi đắp cao bờ đê ở các thửa ruộng để ngăn nước chảy ra. 14h chiều cả HTX ra đồng, đến lúc trời tối đen mới dừng việc. Rồi từ 6h sáng ngày 2/4, toàn bộ người dân ở HTX này lại có mặt ở ruộng để tiếp tục công việc đắp đê. Những bờ đê được đắp thêm 2, 3 lớp bao cát, nước dâng lên cao thì bao cát được chất thêm. Mang 2 lớp áo mưa, nhưng gió thổi mạnh, mưa lớn, nên anh Cư run run vì ướt và lạnh. “Bây giờ cứ bám ở đây, cứu được thửa ruộng nào thì cố gắng. Vụ này làm ăn cả năm, tay trắng thì coi như đói” - anh Cư, chia sẻ.

Không trực tiếp đắp đê cứu lúa, nhưng 2 hôm nay ông Hoàng Ngọc Thập - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế cũng suốt ngày mang áo mưa chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Ở xã này, có 400ha lúa, thì hơn 80ha đã bị ngập trong nước. Xã họp nhanh, quyết định huy động người dân ở 3 HTX Kim Long, Đơn Quế, Hội Yên ra đồng cứu lúa. Cứ chỗ nào lúa chưa bị ngập, thì lập tức đắp đê xung quanh và dùng máy bơm hút nước ra ngoài. “Có nhà 1 người, có nhà 2 người. Có cả phụ nữ, người già cũng ra đồng để hỗ trợ nhau. Nông dân thì đắp đê cứu lúa, chúng tôi thì chạy lui chạy tới chỉ đạo đưa máy đến thoát nước, tiêu úng. Ở xã này may mắn là còn lúa để cứu, chứ mấy xã khác ở cùng huyện lúa bị ngập trắng đồng rồi” - ông Thập, thông tin.

Đi dọc tuyến đường cứu nạn của huyện Hải Lăng bây giờ, cánh đồng lúa ở 2 bên phần lớn đều mênh mông nước. Nông dân Hồ Văn Vững ở xóm Bia (thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng) đứng trước 1ha lúa của gia đình mà cứ vò đầu, bứt tai. Ở xóm Bia trũng hơn các nơi khác, các thửa ruộng ngập hơn nửa mét, bông lúa ngập không thấy dấu vết. “Làm lúa mấy chục năm nay, vụ này chỉ lo thiếu nước, nhưng bây giờ lại bị ngập nước. Giờ đến lúa giống, gia đình tôi cũng cạn kiệt chứ đừng nói đến lúa để ăn cho mấy tháng tới” - ông Vững, chua xót.

Thiệt hại do mưa lũ chưa đầy đủ ở tỉnh Quảng Trị tính đến thời điểm cuối ngày 3/4 cho thấy, gần 10.500ha lúa và hơn 3.000ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng. Trong đó, huyện Hải Lăng có 6.370 ha lúa bị ngập; 200ha thủy hải sản bị thiệt hại. 3 nhà dân ở Triệu Phong bị tốc mái, có hơn 808 hộ bị ngập nước…

Lũ dị thường, khắc phục trước mắt nhưng lo về sau

Đến chiều tối ngày 3/4, tại tỉnh Quảng Trị đã hết mưa, nước đã rút, giao thông đi lại cơ bản an toàn, riêng diện tích vụ Đông Xuân ở vùng thấp trũng thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong vẫn còn bị ngập.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022 bị ngập úng, rạp đổ để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố, tôn cao bờ đê bao ngăn lũ nhằm bảo vệ tối đa các diện tích gieo trồng chưa bị ngập; hàn gắn, khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để bảo vệ và phục hồi sản xuất vụ mùa sắp tới.

“Trước mắt, tỉnh sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về giống cây trồng vật nuôi để phục hồi sản xuất, và bố trí kinh phí để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về thủy lợi, giao thông. Về lâu dài, tỉnh đề nghị trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí giúp tỉnh khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại trong các đợt thiên tai; đồng thời có các phương án, kịch bản ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan, dị thường và có tính lịch sử” - ông Hà Sỹ Đồng, nói.

Có mặt tại Quảng Trị để kiểm tra thiệt hại do mưa lũ gây ra, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai cho biết, Tổng Cục  sẽ phối hợp nghiên cứu giải pháp, phương án chuyển đổi, công trình tưới tiêu, cắt lũ, hạ tầng giao thông... thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Lao Động

comment Bình luận

largeer