Mướp đắng - “thuốc quý” mùa hè trong gian bếp gia đình

Mùa hè, thời tiết thường nóng bức với nhiệt độ cao dễ gây ra tình trạng nóng trong người, khô miệng, thậm chí bị nhiệt miệng kéo dài hàng tuần. Vì thế, mướp đắng với vị đắng đặc trưng nổi lên như một “vị thuốc xanh” hiệu quả, giúp thanh nhiệt, giải độc và kiểm soát đường huyết tự nhiên - giải pháp đơn giản nhưng thiết thực cho sức khỏe mùa hè.
20/05/2025 09:58

Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, nóng trong có thể gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể, kèm theo các triệu chứng như nhiệt miệng, rôm sảy. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống mùa hè rất quan trọng. Trong các thực phẩm có tính thanh nhiệt, mướp đắng nổi bật với giá trị dinh dưỡng và công dụng y học vượt trội, được ví như “bình chữa cháy” không thể thiếu trên mâm cơm mùa nóng.

Mướp đắng có vị đắng đặc trưng, nhưng chứa nhiều hoạt chất có lợi. Trong 100g mướp đắng có tới 84mg vitamin C – cao gấp 2-3 lần trái cây họ cam quýt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, mướp đắng còn chứa peptide-P, một hoạt chất tương tự insulin, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. 

Tùy theo thể trạng mỗi người, chúng ta có thể dùng mướp đắng theo cách khác nhau. Người thể nhiệt, âm hư, dùng mướp đắng lạnh với tỏi; người thể thấp nhiệt chọn canh sườn heo hầm mướp đắng với lúa mạch giúp thanh lọc, lợi tiểu; người thể hàn thiếu dương nên xào mướp đắng với gừng để cân bằng tính hàn. Hiệp hội Nghiên cứu Chế độ ăn uống Y học Trung Quốc khuyến nghị dùng mướp đắng 2-3 lần/tuần, mỗi lần 150-200g.

Mướp đắng mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe

Mướp đắng mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe

Một cách chế biến được ưa chuộng để tận dụng công dụng thanh nhiệt là “mướp đắng mix nước mận ướp lạnh”. Cách làm rất đơn giản, đầu tiên chọn quả mướp đắng mềm, vỏ có nốt sần, cạo sạch ruột trắng để bớt đắng. Cắt lát mỏng, rắc muối ướp 10 phút rồi rửa sạch giúp giữ độ giòn và giảm bớt vị đắng khoảng 30%. Nước sốt làm từ mận tươi giã nhuyễn, mật ong, nước cốt chanh và nước lọc trộn cùng mướp đắng, ướp lạnh 2 tiếng sẽ tạo ra một thức uống chua ngọt, mát lành. Với người có cơ địa lạnh hoặc tiêu hóa yếu, có thể thay nước cốt chanh bằng nước gừng để giảm tính hàn.

Với trẻ nhỏ hoặc người không ăn được vị đắng, món “tôm nhồi mướp đắng hấp” là lựa chọn được nhiều bà nội trợ tin dùng. Mướp đắng cắt khoanh, khoét rỗng rồi nhồi tôm xay nhuyễn trộn hạt dẻ và lòng trắng trứng, hấp cách thủy 8 phút. Vị ngọt của tôm và độ giòn của hạt dẻ giúp giảm đến 60% vị đắng. Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, "Phương pháp hấp giữ trọn vitamin C đạt 92%, đồng thời cung cấp protein chất lượng cao, phù hợp cho trẻ em và thanh thiếu niên".

Ngoài ra, mướp đắng còn dùng làm trà thanh nhiệt cho dân văn phòng. Trà pha từ mướp đắng khô, hoa cúc và kim ngân theo tỷ lệ 2:1:1, ủ nước nóng 5 phút giúp làm dịu khô họng – triệu chứng phổ biến khi làm việc lâu trong điều hòa. Khảo sát tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh cho thấy hiệu quả 89%. Tuy nhiên, không nên uống quá 500ml/ngày và nghỉ một ngày sau ba ngày liên tục để tránh ảnh hưởng dương khí.

Khi chế biến mướp đắng, cần lưu ý những điểm sau để giảm vị đắng: Chà nhẹ bề mặt với nước muối khi sơ chế; thêm chút rượu khi xào để vị đắng bay đi; kết hợp với nguyên liệu hút vị như trứng hoặc thịt bò giúp giảm cảm nhận vị đắng hơn 50%.

Thảo Nguyên (dịch)

comment Bình luận