Nam bệnh nhân phát hiện sưng to 'chỗ ấy' đi khám và phát hiện mắc u tinh hoàn

Sau hai tháng phát hiện với 3 đợt uống kháng sinh nhưng bìu trái của bệnh nhân ngày càng sưng to. Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính đã nghi ngờ bệnh nhân bị u tinh hoàn và chỉ định làm các xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chuyên sâu tầm soát đã cho kết quả bệnh nhân u tinh hoàn.
28/01/2021 09:35

Uống 3 đợt thuốc kháng sinh mà bìu trái “chỗ ấy” ngày càng to dần lên

Khoa Nam học và Y học giới tính, BV ĐH Y Hà Nội vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân từ Phú Thọ được chuyển tiếp từ khoa Ngoại tiết niệu với bìu trái “của quý” sưng phồng, tấy đỏ.

Bệnh nhân cho biết 2 tháng nay bị sưng và đau tức bìu trái, đã được khám, siêu âm và được chẩn đoán là viêm tinh hoàn trái. Bệnh nhân được chỉ định điều trị 3 đợt thuốc kháng sinh, tinh hoàn bớt đau tức, nhưng ngày càng to dần lên.

Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính đã nghi ngờ bệnh nhân bị u tinh hoàn và chỉ định làm các xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chuyên sâu tầm soát đã cho kết quả bệnh nhân u tinh hoàn.

Để khẳng định chắc chắn, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để đánh giá tổn thương phối hợp.

“Thật buồn khi phát hiện ra thêm các khối u di căn ở gan bệnh nhân. Trường hợp này được chẩn đoán: theo dõi K tinh hoàn di căn gan, và chuyển chuyên Khoa U bướu điều trị tiếp”, TS. BS Nguyễn Hoài Bắc, trưởng Khoa Nam học và Y học giới tính cho hay. 

Kết luận này khiến cho bệnh nhân sốc.  Theo TS. BS Hoài Bắc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sưng bìu: U tinh hoàn, viêm tinh hoàn- mào tinh; tràn dịch màng tinh hoàn và giãn tĩnh mạch tinh hoặc thoát vị bẹn.

“Việc đánh giá sưng bìu không nên dừng lại ở mỗi kĩ thuật siêu âm tinh hoàn mà còn cần làm đầy đủ bilan tầm soát các nguyên nhân khác. Đôi khi lười khám tại những cơ sở uy tín vì sợ chờ lâu, mà người bệnh lại chậm trễ mất thời gian chữa bệnh tốt nhất. Do vậy, nếu có dấu hiệu bìu bị sưng, các quý ông đừng chủ quan”, TS. BS Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh.

Có thể chữa khỏi 90% nếu phát hiện sớm

Nói thêm về căn bệnh ung thư tinh hoàn, BS Nguyễn Duy Khoa, BV Ung bướu Hà Nội cho biết, ung thư tinh hoàn (UTTH) là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Tuy nhiên đây lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35.

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn mà bệnh nhân thường tự sờ thấy trên lâm sàng.

hai-thang-phat-hien-sung-to-cho-ay-nguoi-dan-ong-soc-khi-biet-benh

Theo BS Nguyễn Duy Khoa, người có tinh hoàn ẩn, gia đình từng có người mắc ung thư tinh hoàn, người bị nhiễm HIV …  có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.

“Bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra gọi là bệnh “tinh hoàn ẩn”.

Ở những người bị tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường”, BS Nguyễn Duy Khoa cho hay.

Ngoài ra, với những nam giới có cha mẹ hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn thì theo BS Duy Khoa cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhóm nam giới khác. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

“Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn. Và khoảng 3% đến 4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại”, BS Duy Khoa cho hay.

Theo vị bác sĩ chuyên khoa ung bướu, dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng như: đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới; bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu; có thể nổi hạch vùng bẹn; có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng); có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn)…

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, BS Duy Khoa cho rằng nam giới nên loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, yếu tố chủng tộc, tiền sử gia đình, ung thư tinh hoàn là không thể thay đổi. Còn với yếu tố nguy cơ tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm tinh hoàn ẩn cho trẻ.

“Với đàn ông, cần biết cách tự khám tinh hoàn cho mình để phát hiện tinh hoàn ẩn và thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu tránh nguy cơ ung thư tinh hoàn. Bên cạnh đó, cần có cuộc sống tình dục lành mạnh tránh lây nhiễm HIV. Ngoài ra, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để nâng cao sức khỏe”, BS Duy Khoa nhấn mạnh.

Mặc dù ung thư tinh hoàn ảnh hưởng rất nhiều đến nam giới, tuy nhiên theo các chuyên gia đây là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tính chung cho các giai đoạn có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%.

Do vậy,  BS Nguyễn Duy Khoa khuyến cáo, ngoài việc thay đổi lối sống, mọi người nên được kiểm tra sàng lọc phát hiện sớm ung thư tinh hoàn để có thể điều trị kịp thời.

Theo Infonet

comment Bình luận

largeer