Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Tấm gương cô giáo miệt mài trăn trở với nghề, không ngừng học hỏi

Chị Nguyễn Phương Thảo (SN 1997), hiện là giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một tấm gương miệt mài trăn trở với nghề, không ngừng học hỏi, và vận dụng sáng tạo những phương pháp dạy học. Ngoài ra cô còn có những kiến nghị phù hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại của những người thầy, cô đang đứng trên bục giảng.
20/11/2024 09:37

Lòng yêu nghề, yêu trẻ

“Từ khi còn nhỏ ngồi trên ghế nhà trường, được ngắm nhìn hình ảnh thầy cô giáo của mình đang hăng say giảng bài, tôi đã mơ ước có một ngày cũng được đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức mình biết cho học sinh của mình”, cô giáo Phương Thảo chia sẻ.

Empty

Cô giáo Nguyễn Phương Thảo

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề, yêu trẻ, khao khát được cống hiến, được dạy dỗ, uốn nắn những “Mầm non đất nước”, được "thắp lửa" cho học trò, cô đã luôn miệt mài trăn trở với nghề, không ngừng học hỏi, tìm tòi và vận dụng sáng tạo những phương pháp dạy học để phù hợp với từng học sinh, để học sinh nào cũng tiến bộ lên từng ngày.         

Với tình yêu nghề, mến trẻ, cẩn thận, cô Phương Thảo luôn được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng và phân công chuyên môn dạy học cho học sinh. Cô Phương Thảo cũng rất được phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến.

Empty

Cô Phương Thảo cùng học sinh tham gia Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM cấp Quận

Với đức tính giản dị, ham học hỏi, cô Phương Thảo luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên, cô không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học. Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ ngoại khoá, cô Phương Thảo luôn thân thiện, gần gũi với học trò. Học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ học tập là một trong những nguồn động viên lớn khích lệ cô phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại niềm tin yêu kính trọng của học trò.

Những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị

Trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, đôi khi với những người làm thầy giáo, làm cô giáo cũng gặp cả những thuận lợi và khó khăn nhất định. Cô Phương Thảo cho biết những thuận lợi phải kể đến như: Được tiếp xúc với nhiều người xung quanh, cải thiện khả năng giao tiếp xã hội; Ngoài việc truyền dạy kiến thức, bản thân còn được trao cơ hội để học hỏi cũng như thể hiện các kĩ năng mềm khác nhau; Được tạo cơ hội để học hỏi, hiểu thêm về lứa tuổi Tiểu học ngoài việc áp dụng vào giảng dạy còn áp dụng vào cuộc sống hàng ngày; Môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, luôn hỗ trợ lẫn nhau.

Empty

Cô giáo hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi tài năng, đạt giải triển vọng

Bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn mà người làm trong ngành Giáo dục cũng phải đối mặt như: Đối tượng học sinh là lứa tuổi 6-12 nhiều thay đổi về tâm tư, tình cảm. Ngoài việc giảng dạy thì với công tác chủ nhiệm cần luôn lưu tâm đến mỗi sự thay đổi của học sinh; Khối lượng công việc tương đối nhiều, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin yêu cầu cho công việc ngày càng cao và đa dạng; Là quãng tuổi học sinh đang hình thành tính cách, thói quen nên còn lưu lại tính cách vừa học vừa chơi, vô hình chung gây ra áp lực cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức; Trong thời đại mới, phụ huynh học sinh càng đặt nhiều kì vọng vào giáo viên trong việc dạy dỗ con em trên nhiều phương diện.

Chính từ những khó khăn kể trên, cô Phương Thảo đã đưa ra những vấn đề để giải quyết như: Luôn luôn lắng nghe tâm tư tình cảm, lời giãi bày của học sinh, phụ huynh học sinh từ nhiều phía để có cách xử lý đúng đắn nhất; Thường xuyên trau dồi chuyên môn, kĩ năng để giải quyết công việc được hiệu quả; Nắm bắt cụ thể thông tin, tích cách từng học để có cách phù hợp cho việc giảng dạy, chăm sóc học sinh hằng ngày.

Người mẹ hiền thứ hai của các con học sinh

Không chỉ truyền cho học sinh những kiến thức bổ ích, cô Phương Thảo còn là một giáo viên chủ nhiệm tuyệt vời - là người mẹ hiền thứ hai của các con học sinh. Cô thương học trò, tận tình chỉ dạy và uốn nắn những nét chữ cho các em. Cô chăm lo cho từng bạn một. Nhắc đến cô giáo Phương Thảo, phụ huynh và học sinh nào cũng nhớ đến cô với lòng biết ơn và cảm phục một nhà giáo trẻ có tâm với nghề.

Empty

Người mẹ hiền thứ hai của các con học sinh

Theo cô, để trở thành một giáo viên tốt, cần những yếu tố cơ bản như: Có tình yêu đối với trẻ em; Luôn có được tinh thần lạc quan, kiên trì và dễ cảm thông với mọi người; Thường xuyên trau dồi, học hỏi ở nhiều phương diện từ chuyên môn đến chủ nhiệm; Luôn biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, công bằng với mọi học sinh.

Trong quá trình công tác, cô giáo Phương Thảo đã đạt được những thành tích đáng nể như:

- Giáo viên giảng dạy tiết học mẫu cho Sách Giáo khoa Toán lớp 2 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

- Nhận giấy khen có thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi quận Thanh Xuân năm học 2022 – 2023.

- Đạt Giáo viên giỏi, Chủ nhiệm giỏi cấp cơ sở các năm.

- Dẫn dắt lớp chủ nhiệm đạt Sao nhi đồng cấp Quận.

- Dẫn dắt đội nhảy học sinh tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Thanh Xuân lần III” và đạt giải Triển vọng.

- Tích cực tuyên truyền trong tập thể phụ huynh học sinh lớp các nội dung như quyên góp ủng hộ vì người nghèo, hiến máu nhân đạo, vận động tiêm covid trong mùa dịch, vận động công dân đi làm căn cước công dân trong thời gian đầu áp dụng, … và được học sinh và phụ huynh học sinh hưởng ứng nhiệt tình.

Empty
Empty

Các thành tích của cô Phương Thảo

Không chỉ đảm việc nước, mà cô còn thường xuyên cùng Chi đoàn nhà trường kết hợp với Đoàn phường tham gia cạo biển quảng cáo trên hè phố; Thăm và tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng; Tham gia hỗ trợ những suất ăn yêu thương đến các gia đình trong thời gian COVID-19,...

Kỉ niệm đáng nhớ

Trong quãng thời gian làm giáo viên, cô Phương Thảo có rất nhiều kỉ niệm về các học trò thân yêu của mình. Mỗi một kỉ niệm là những lần cô có cảm xúc nhất định với người học trò ấy.

Empty

Cô giáo Phương Thảo và các học trò yêu

“Kỉ niệm khiến tôi luôn nhớ là trong một năm dạy lớp 2, tại lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh thường xuyên cáu gắt, gào khóc, mất kiểm soát hành vi gây mất trật tự lớp. Thời gian đầu tôi vô cùng áp lực vì học sinh đó không hợp tác, thường xuyên trêu chọc, nghịch ngợm làm ảnh hưởng đến giờ học chung của cả lớp. Điều đó không chỉ đơn giản là gây ồn ào mà đang làm giảm chất lượng học tập mỗi tiết. Sau đó tôi đã cùng ngồi lại trò chuyện với cả bố và mẹ con, khi đã hiểu hơn về con kể cả khi ở nhà ta sẽ nắm bắt được những thói quen hàng ngày. Nhờ đó tôi đã tìm ra những phương pháp phù hợp khiến con hợp tác hơn, cường độ mất kiểm soát hành vi nhờ đó cũng giảm đi nhiều. Sau cùng con đã chấp nhận vui vẻ ngồi học cùng các bạn, thậm chí còn hăng hái giơ tay phát biểu và tiến bộ từng ngày. Đó là một kết quả đẹp cho cả một quá trình kiên trì của cả cô và bố mẹ để thay đổi con. Từ đó đến nay đã 4 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại tôi luôn cảm thấy cảm ơn bản thân vì đã kiên trì và có niềm tin nơi học sinh ấy, để giờ con phát triển, tiến bộ như bao bạn học đồng trang lứa”, cô giáo Phương Thảo bộc bạch.

Mỗi một lứa học sinh cô Phương Thảo dạy dỗ là những kỉ niệm khó quên khi đứng trên bục giảng, khi ân cần chỉ bảo. Mỗi một câu chuyện là những ký ức cô không quên, học trò thì nhớ mãi.

Empty

Cô giáo Phương Thảo và các học trò yêu

“Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin được gửi đến các thầy giáo, cô giáo vẫn đang ngày ngày hăng say với bảng đen, phấn trắng để dìu dắt những ước mơ được bay cao một lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn các thầy cô vì đã luôn dịu dàng, kiên nhẫn và đầy yêu thương với các em học sinh. Mỗi bài học của thầy cô không chỉ đơn giản là một tiết học trên lớp mà nó còn là bài học giúp các em vững bước trên đường đời sau này. Một lời cảm ơn không sao kể hết, tôi xin chúc các thầy cô luôn thật nhiều sức khỏe về cả trí và lực để luôn nhiệt huyết, sục sôi với tình yêu nghề và tình yêu trẻ nhỏ!”, cô giáo Phương Thảo cho hay.

Những thành công mà cô đạt được mới chỉ là bước đầu trong sự nghiệp trồng người, nhưng đó là nền tảng, là động lực để cô phấn đấu, làm tốt hơn xứ mệnh của một cô giáo, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước trong tương lai. Những cố gắng nỗ lực của cô giáo Phương Thảo cũng đã góp phần không nhỏ vào bảng thành tích chung của nhà trường.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer