Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những đóa hồng mang hơi ấm đến với người vô gia cư

Vào ngày cuối tuần, khi mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình sau chuỗi ngày dài làm việc mệt mỏi, thì những đóa hồng của Bếp lửa đỏ lại mang theo hành trang là những thùng lớn, thùng nhỏ chở cơm, xôi, bánh mì,... đi phát cho người vô gia cư ở Hà Nội.
07/03/2022 11:36

Hoạt động này đã diễn ra được khoảng 7 tháng nay, khi dịch COVID-19 khiến nhiều người mất việc làm, không có nơi nương tựa thì Bếp lửa đỏ chính là người mang hơi ấm đến cho người vô gia cư trong những ngày thời tiết Hà Nội lạnh giá.

Bếp lửa đỏ được khởi xướng từ ý tưởng của chị Thúy Hạnh (Times City, Hà Nội), với mục đích lan tỏa, san sẻ yêu thương đến người vô gia cư từ những bữa ăn 0 đồng. Ngay sau khi đưa ra ý tưởng, đã có thêm 4 người bạn khác của chị cùng tham gia. Do đó, nhóm Bếp lửa đỏ thường có 5 chị em, ngoài ra, thỉnh thoảng vẫn có thêm những người bạn khác của chị Hạnh đến hỗ trợ khi họ có thời gian rảnh.

Bếp lửa đỏ phát cơm cho người vô gia cư ở Hà Nội vào 22h tối

Bếp lửa đỏ phát cơm cho người vô gia cư ở Hà Nội vào 22h tối

Bếp lửa đỏ thường hoạt động vào cuối tuần, kinh phí đều do các chị tự bỏ ra một phần và một phần các chị xin hỗ trợ chút bánh, chút rau, hoa quả,... từ nhiều người bạn khác. Các chị thường đăng lên trang mạng xã hội của mình như facebook, zalo để xin hỗ trợ thêm, quan điểm của các chị không muốn hỗ trợ tiền mà chỉ cần nhà nào có rau cho rau, nhà nào có bánh trái cho bánh trái, nhà nào có mì cho mì,... các chị đều nhận hết để phân chia cho người vô gia cư.

Mới đầu, nhóm nấu từ 200 - 300 suất cơm, nhưng khi đợt dịch diễn biến phức tạp, đã có nhiều người vô gia cư hơn, các chị đã nấu tăng lên nhiều nhất là 500 suất, nhưng đó là khi có thêm người hỗ trợ đi phát cơm, có những ngày nhóm phát cơm đến 2h sáng. Nhóm Bếp lửa đỏ không phát cơm cố định tại một địa điểm mà thường đi theo từng khu vực, họ tìm hiểu trước những nơi có nhiều người vô gia cư, nhất là có người già và trẻ nhỏ để dễ dàng hỗ trợ.

Để có được những suất cơm phát cho người vô gia cư, nhóm Bếp lửa đỏ phải chuẩn bị nấu nướng từ 15h chiều

Để có được những suất cơm phát cho người vô gia cư, nhóm Bếp lửa đỏ phải chuẩn bị nấu nướng từ 15h chiều

Chị Hạnh chia sẻ: Khoảng tháng 3, 4 năm 2021, do dịch diễn biến phức tạp nên chị cũng phải làm việc tại nhà, do đó chị đã lên ý tưởng để nấu cơm phát cho người vô gia cư. Thực gia ý tưởng này chị đã nhen nhóm từ lâu nhưng do công việc cũng bận và chưa quyết tâm nên chưa thực hiện được. Do đó, nhân những ngày nghỉ ở nhà, có thêm nhiều thời gian hơn, chị đã đưa ra ý tưởng với bạn bè và rất may mắn, bạn bè chị cũng ủng hộ và cùng thực hiện với chị. Và từ đó, Bếp lửa đỏ đã ra đời.

"Vui lắm em ạ, nhìn những gương mặt vui cười của người vô gia cư khi nhận được những suất cơm, những túi bánh mì chị lại thấy nhẹ lòng. Có những đứa trẻ rất ngoan, được phát cơm khoanh tay vào cảm ơn các chị rối rít. Rồi còn có những người già, lúc nào cũng ngồi ở đó để đợi bọn chị. Có những tuần rảnh hơn, các chị cũng nấu khoảng 2 lần trong tuần để phát cơm cho người vô gia cư. Mà cũng rất hạnh phúc vì những việc chị làm được mọi người công nhận, họ đã gọi cho chị để xin hỗ trợ, có những người hỗ trợ 200 cái bánh ngọt, 10 thùng mì, có những người hàng tuần cứ gửi thêm rau, thêm thịt, thêm gạo,... Chỉ cần như vậy thôi là Bếp lửa đỏ đã được tiếp thêm động lực, sức mạnh để lan tỏa tình yêu thương đến vô số người vô gia cư ở Hà Nội", chị Hạnh bày tỏ.

Bếp lửa đỏ sẽ có các món như cơm, xôi, bánh mỳ, cháo,... để phát cho người vô gia cư

Bếp lửa đỏ sẽ có các món như cơm, xôi, bánh mỳ, cháo,... để phát cho người vô gia cư

bepluado3
bepluado4

Có thể thấy, các thành viên nhóm Bếp lửa đỏ đã mang hơi ấm, niềm vui đến cho những người yếu thế. Dù có những ngày mùa đông Hà Nội rất lạnh nhưng những nơi họ đến, mùa đông bỗng trở nên ấm áp, thân thương.

Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 cận kề, xin chúc những đóa hồng tại Bếp lửa đỏ luôn khỏe mạnh, xinh đẹp, luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết của mình để những điều các bạn lan tỏa trở thành biểu tượng của sự ấm áp và tràn đầy yêu thương.

Bài: Thu Trang

Ảnh: Nhân vật cung cấp

comment Bình luận

largeer