Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2025: Nhấn mạnh vấn đề sống còn của phụ nữ và trẻ sơ sinh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới 2025 là “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai hy vọng” (Healthy beginnings, hopeful futures), tập trung vào việc cải thiện sức khỏe và sự sống còn của mẹ và trẻ sơ sinh.
07/04/2025 11:45

Ngày Sức khỏe Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 7 tháng 4 hàng năm, kỷ niệm ngày thành lập WHO vào năm 1948. Mỗi năm, ngày này lại thu hút sự chú ý đến một chủ đề y tế cụ thể mà toàn cầu đang quan tâm.

whd2025-toolkit-images-0

Ảnh minh họa (Nguồn: Communications Toolkit của WHO)

“Trọng tâm của chiến dịch năm nay đến vào thời điểm quan trọng, nhằm giúp các quốc gia lấy lại những tiến bộ đã mất, đồng thời giới thiệu các nghiên cứu và bằng chứng mới có thể cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ sơ sinh trên toàn thế giới”, ông Anshu Banerjee, Giám đốc Cục Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ sơ sinh, Trẻ em, Thanh thiếu niên và Lão hóa (Maternal, Newborn, Child and Adolescent Health and Ageing) của WHO cho biết. Khi viện trợ nhân đạo bị cắt giảm đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người, đây cũng sẽ là cơ hội để đẩy mạnh hỗ trợ và hợp tác vì sức khỏe toàn cầu, và mang lại hy vọng cho những người đang cần sự chăm sóc cứu sinh khẩn cấp.

Giúp mọi phụ nữ và trẻ sơ sinh được sống và phát triển

Theo các ước tính gần đây nhất, gần 300.000 phụ nữ mất mạng mỗi năm do thai sản hoặc sinh nở; hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời, và khoảng 2 triệu ca thai chết lưu. Trung bình, cứ mỗi 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được – những mất mát này gây đau buồn to lớn cho hàng triệu gia đình trên thế giới.

Mặc dù các ca tử vong mẹ và trẻ sơ sinh xảy ra ở mọi khu vực, nhưng phần lớn lại tập trung ở các quốc gia nghèo nhất và những nơi đang chịu xung đột hoặc khủng hoảng. Khi các cơ sở y tế bị đóng cửa, bị tấn công, tuyến đường tiếp cận bị cản trở hoặc nguồn cung bị gián đoạn, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh – những người cần được chăm sóc y tế thường xuyên sẽ đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng đến tính mạng.

Dựa trên xu hướng hiện tại, có tới 4 trong 5 quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu toàn cầu của Liên Hợp Quốc về cải thiện tỷ lệ sống của bà mẹ vào năm 2030; 1 trong 3 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Hạn chế về tài chính hiện tại có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng, khi nhiều chương trình cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu bị đình trệ, cùng với các nghiên cứu y khoa quan trọng về phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em cũng bị ảnh hưởng.

Chiến dịch năm nay kéo dài đến năm 2026, sẽ kêu gọi chính phủ, nhà tài trợ và cộng đồng y tế đầu tư vào các biện pháp can thiệp đã được chứng minh là hiệu quả cao, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc tổng thể. Điều này bao gồm các dịch vụ trong thai kỳ để phát hiện biến chứng, các ca can thiệp sản khoa khẩn cấp cứu sinh – bởi phần lớn các ca tử vong mẹ và trẻ sơ sinh xảy ra trong hoặc ngay sau sinh – cũng như chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non và nhẹ cân. Hiện nay, các biến chứng liên quan đến sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu.

WHO cũng sẽ nhấn mạnh nhu cầu cần thiết phải mở rộng hệ thống y tế để giải quyết các vấn đề sức khỏe nền tảng ảnh hưởng đến bà mẹ và trẻ sơ sinh. Những yếu tố này bao gồm không chỉ là các biến chứng sản khoa trực tiếp, mà còn có các bệnh lý tâm thần, suy dinh dưỡng (bao gồm thiếu hụt hoặc dư thừa dinh dưỡng) và gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Lắng nghe phụ nữ và hỗ trợ gia đình

Vượt lên trên mục tiêu cứu sống, chiến dịch sẽ kêu gọi sự chú ý toàn cầu đến sức khỏe và phúc lợi dài hạn của phụ nữ. Điều này bao gồm việc vận động cho luật pháp và chính sách bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của phụ nữ, như chế độ nghỉ thai sản có lương, bảo vệ quyền lợi lao động và tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình quan trọng.

“Việc phụ nữ sống sót sau khi sinh là chưa đủ, họ còn cần được tận hưởng cuộc sống với sức khỏe tốt”, bà Pascale Allotey, Giám đốc Chương trình Sức khỏe Tình dục và Sinh sản của WHO cho biết. Phụ nữ và trẻ em gái ở khắp nơi cần được tiếp cận các nhân viên y tế biết lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ, đồng thời giúp họ lập kế hoạch sinh sản, làm chủ tương lai và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Ngoài ra, cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các rủi ro đặc thù do biến đổi khí hậu gây ra cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, khi có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa nhiệt độ cao với sinh non, thai chết lưu, huyết áp cao thai kỳ, tiểu đường thai kỳ và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Đầu tư – chứ không phải chi phí

Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, mỗi 1 USD đầu tư vào sức khỏe mẹ và trẻ sơ sinh ước tính sẽ mang lại từ 9 đến 20 USD lợi ích kinh tế. Nghiên cứu cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực này thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng xã hội hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.

Trên toàn thế giới, WHO đang hỗ trợ các chương trình y tế thiết yếu dành cho mẹ và trẻ sơ sinh, bao gồm:

- Hỗ trợ chuyên sâu cho 55 quốc gia thông qua sáng kiến "Mỗi phụ nữ, mỗi trẻ sơ sinh, ở mọi nơi" (Every Woman, Every Newborn, Everywhere initiative), giúp mở rộng tiếp cận các đơn vị chăm sóc sản khoa và sơ sinh khẩn cấp, kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ quan trọng khác.

- Cung cấp hướng dẫn chuyên môn về các khía cạnh khác nhau của chăm sóc mẹ và trẻ trong suốt thai kỳ, sinh nở và sau sinh. Các khuyến nghị mới sẽ được công bố trong năm nay để hỗ trợ xử lý băng huyết sau sinh - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và các bệnh không lây trong thai kỳ.

- Nghiên cứu cải thiện chăm sóc lâm sàng cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, bao gồm cả trong thời kỳ dịch bệnh, nhằm đảm bảo không để các nhóm nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.

- Đảm bảo chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong tình huống khẩn cấp nhân đạo, như các phòng khám di động và trạm y tế tại Syria và Sudan – nơi hàng triệu phụ nữ và trẻ em sẽ không thể tiếp cận các buổi khám bệnh, tiêm chủng và điều trị cứu sinh.

- Hỗ trợ nhân viên y tế cung cấp chăm sóc thiết yếu cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, bao gồm tăng cường vai trò của nữ hộ sinh trong hệ thống y tế thông qua đào tạo, cấp chứng chỉ và hướng dẫn chuyên môn liên quan.

Hãy hành động

Bạn có thể làm gì để hỗ trợ chiến dịch này:

- Lan tỏa nhận thức: Chia sẻ thông tin về chiến dịch bằng cách sử dụng hashtag #HopefulFutures và #HealthForAll.

- Tham gia: Đến với các sự kiện toàn cầu để tìm hiểu thêm về những nỗ lực chấm dứt tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; hoặc tổ chức các hoạt động địa phương.

- Đóng góp: Quyên góp cho Quỹ WHO, tổ chức hỗ trợ công việc bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

- Chia sẻ câu chuyện cá nhân: WHO sẽ phát động nội dung mới trên các nền tảng của mình để giúp phụ nữ kể lại hành trình sinh nở và những trải nghiệm cuộc sống, đồng thời tri ân những người đang cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng.

Theo WHO

comment Bình luận