Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11: Bệnh tiểu đường và sức khỏe

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường được Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động vào năm 1991 nhằm đối phó với sự gia tăng nhanh chóng số ca bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới.
14/11/2024 16:20

Đến năm 2016, Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường đã được kỷ niệm bởi hơn 230 hiệp hội thành viên IDF tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các tổ chức, công ty, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, chính trị gia, người nổi tiếng và những người mắc bệnh đái tháo đường và gia đình của họ. Các hoạt động bao gồm: chương trình sàng lọc bệnh đái tháo đường, chiến dịch phát thanh và truyền hình, sự kiện thể thao và nhiều hoạt động khác.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường 14/11 là “Bệnh tiểu đường và sức khỏe - Diabetes and Well-being”.

Thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường được đưa ra:

- Không hút thuốc lá.

- Ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.

- Hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn.

- Duy trì cân nặng chuẩn BMI.

- Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ...

dtd

(Ảnh minh họa: Medinet)

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.

Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh...

Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...

Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tương đương 1 trong 11 người trưởng thành đang sống với bệnh ĐTĐ, dự kiến sẽ đạt 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh ĐTĐ (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%). Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.

Tại Việt Nam, theo dữ liệu của IDF cho thấy năm 2019 có tỷ lệ 6% người trưởng thành mắc ĐTĐ.

Một số yếu tố nguy cơ kết hợp gây bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 gồm:

Thừa cân, béo phì: Đây là nguy cơ số 1 của ĐTĐ type 2. Trẻ em thừa cân cũng có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 nhiều hơn trẻ bình thường gấp 3 lần.

Lối sống ít vận động: Khi cơ thể vận động, lượng đường trong máu sẽ giảm, do đó lối sống ít vận động có nguy cơ làm tăng đường huyết. Tăng cường vận động, tập thể dục là cách phòng tránh bệnh ĐTĐ type 2 hiệu quả.

Có những thói quen không lành mạnh: như chế độ ăn uống không lành mạnh, nghỉ ngơi không hợp lý…

Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị ĐTĐ type 2 thì chính họ cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh này.

Tuổi cao: Tuy đáng buồn nhưng là sự thật, người trên 45 tuổi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn người trẻ.

Cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim: Những bệnh này làm ảnh hưởng đến mạch máu, không chỉ làm tăng nguy cơ ĐTĐ type 2 mà còn nhiều bệnh khác.

Tiền sử mắc ĐTĐ thai kỳ hoặc có buồng trứng đa nang.

Rối loạn dung nạp glucose (IGT): Là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường.

Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ type 2, việc nhận biết rõ nguy cơ của mình là rất quan trọng để phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời tránh để các biến chứng, hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó, khi nhận thấy mình có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ kể cả khi không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng.

Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer