Nghị lực của người phụ nữ khi mất một bên cánh tay

Khi một người bị mất đi một phần trên cơ thể của mình vì một lý do nào đó, họ đều cảm thấy mất mát, đau buồn, tự ti, thậm chí là buông xuôi tuy nhiên chị Lê Thị Kim Trâm (SN 1979, ở phường Thảo Điền, quận 2, TP. HCM) lại có cái nhìn rất khác về cuộc sống.
25/04/2023 09:52

Câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ nghị lực

Quê chị Kim Trâm ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, chị vào TP. HCM lập nghiệp từ năm 2006. Chị mở một cửa hàng làm tóc nho nhỏ ở thành phố này. Ba mẹ con sống tại một căn nhà thuê trong ngõ nhỏ. Một tai nạn đã cướp đi cánh tay bên trái của chị...

Empty

Chị Lê Thị Kim Trâm

Chị Trâm cho biết: “Tôi không thể bỏ được nghề này, đây là nghề gia truyền của nhà tôi, sau khi xảy ra tai nạn, tôi đã nghĩ cuộc đời của tôi đã hết rồi. Với một thợ làm tóc thì phải cần hai tay, nghĩ về mình cho rằng hỏng rồi. Nhưng cuối cùng nhờ khách hàng thương, giúp đỡ kéo tôi vực dậy sau biến cố. Đến giờ tai nạn đã qua 6 năm rồi”.

Chia sẻ thêm về vụ tai nạn, gây ra biến cố cuộc đời, chị Trâm cho biết: “Sáng hôm đó, tôi chở một cô em xuống Đồng Nai, hai chị em đi trên một đoạn đường xấu ở ấp Tân Cang vào đường mỏ đá, chạy với tốc độ bình thường nhưng do đường quá xấu, tôi ngã và bị xe ben 15 tấn đằng sau cán tới, cánh tay bị đứt lìa, khuôn mặt bị biến dạng nửa mặt. Cô em đi cùng đã hô hào mọi người đến giúp đỡ đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đồng Nai”.

Empty

Chị luôn lạc quan dù mất một bên cánh tay

Trên đường đi đến bệnh viện, chị Trâm tưởng chừng như bản thân không còn có thể sống được vì những cơn co giật mạnh, chị được sơ cứu tại Bệnh viện Đồng Nai và chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến Bệnh viện Chợ Rẫy là 10h sáng, và phải đến 18h tối cùng ngày chị mới tỉnh. Khi tỉnh lại chị thấy cánh tay nhức, buốt, người thân cứ giữ tay bên phải không cho chị sờ sang bên kia vì sợ chị sốc. Lúc đó bác sĩ đến chia buồn với chị: “Bác cố gắng lắm, những không giữ được cánh tay cho con, con hãy cố gắng lên nhé!”.

Bắt đầu trở lại với cuộc sống thường ngày

Và rồi chị cũng phải chấp nhận sự thật này, “hai đứa con mình đều phụ thuộc vào đôi bàn tay này của mình, tôi chỉ là phụ nữ, tôi một mình nuôi hai con mà giờ thành ra thế này thì phải làm sao đây?”, chị Trâm nghĩ. Ngày cũng như đêm, chị mất ngủ triền miên vì vẫn còn khá sốc.

Empty

Công việc hàng ngày của chị là hớt tóc cho khách hàng bằng một bên tay phải

Được biết, chị xuất viện về nhà, trong 1 tháng dù còn đeo băng tay bên trái nhưng tay bên phải đã làm việc để mưu sinh. Dù hoa mắt, chóng mặt nhưng ráng nuốt nước mắt vào trong để không rơi dòng lệ nào. Một người phụ nữ mà công việc phụ thuộc vào đôi tay rất nhiều nhưng chị đã cố gắng vượt qua nỗi đau cả thể xác và tâm hồn để vươn lên với đời.

Bình thường chỉ 5 – 7 phút là chị hớt xong 1 đầu cho khách, nhưng khi chỉ còn 1 tay, chị phải học, tập, ban đầu phải mất 40 - 45 phút mới có thể hoàn thành, mà lại không được đẹp. Dần dần chị căn chỉnh, mất khoảng 1 năm chị khôi phục được mẫu tóc cho khách hàng ưng ý.

Từ đó chị sử dụng chủ yếu tay phải để hớt tóc, ngoáy tai, gội đầu cho khách hàng; Làm việc nhà; Đi xe đạp. Ngoài ra, chị cũng sử dụng đôi chân để hỗ trợ các sinh hoạt hàng ngày của mình. Cắt rau, củ, quả chị đều dùng bằng chân. Lúc đầu, thường xuyên bị dao cắt vào chân nhưng dần dần cũng quen, chị có thể tự nấu ăn thành thục.

“Tôi cảm ơn số phận đã lấy đi của tôi một cánh tay, để tôi thấy mình mạnh mẽ đến nhường nào. Nó cho tôi thấy được tình cảm của những người xung quanh trong những lúc khó khăn nhất, đặc biệt là tình cảm của các con, của những khách hàng vẫn yêu quý và tin tưởng vào tay nghề của mình. Tôi được sống cuộc đời thứ hai hạnh phúc hơn”, chị Trâm bộc bạch.

Trước kia chị cũng mặc cảm, sợ gặp đông người. Nhưng rồi niềm vui của chị là mỗi ngày được chăm sóc con cái, được mở cửa tiệm để đón khách. Chị kể đôi lúc bản thân cũng thấy mệt, những khi nghĩ đến các con là chị khỏe lại ngay. 

“Tôi hy vọng những người giống với hoàn cảnh của tôi thấy được nghị lực của tôi để có cuộc sống tương đối, cách nhìn khác nhau mà vươn lên”, chị Trâm chia sẻ.

Hiện tại, chị đã có cuộc sống ổn định, quen với công việc và tìm niềm vui trong công việc để quên đi nỗi đau đó. Ba mẹ con chị sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Các con của chị rất ngoan, hiểu chuyện là niềm tự hào và động lực cho chị rất nhiều.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer