Nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh của nữ kình ngư xứ Thanh

SEA Games 32 vừa kết thúc, cái tên Cao Thị Duyên được nhắc đến với bảng thành tích ấn tượng 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc - thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 vận động viên giành được tại 1 kỳ SEA Games. Tuy nhiên, nhìn lại gia cảnh khó khăn của Duyên mới thấy phần nào nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh của cô.
19/05/2023 08:02
Ngôi nhà nhỏ 30m2 của gia đình nữ VĐV Cao Thị Duyên, ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Ngôi nhà nhỏ 30m2 của gia đình nữ VĐV Cao Thị Duyên, ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Vượt qua nghịch cảnh

Những ngày nắng gắt đầu hạ, bước vào căn nhà nhỏ cũ kỹ, tuềnh toàng, rộng khoảng 30m2 của gia đình nữ VĐV Cao Thị Duyên, ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đập vào mắt chúng tôi là bức tường treo đủ các loại bằng khen, huy chương của em. Ông Cao Văn Kỷ (45 tuổi), bố của Duyên chưa tin nổi con gái mình giành tới 5 chiếc huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Ông Kỷ làm phu đá cách nhà 30 cây số, đang xin nghỉ vì gia đình có việc hiếu và theo dõi con gái tranh tài tại Campuchia. Chiếc điện thoại “cục gạch” là kênh liên lạc duy nhất của gia đình, cũng là để cập nhật tin tức của con gái. Thi thoảng vào xóm có người nói con gái đoạt huy chương thì mới biết và ông Kỷ lại về chia sẻ với vợ.

Ông Kỷ tự hào khi kể về con gái

Ông Kỷ tự hào khi kể về con gái

“Chúng tôi không dám gọi điện vì sợ con phân tâm. Khi cháu lên bục nhận giải, HLV Phạm Tuấn Anh gọi thông báo thì mới biết. Cháu cũng gọi về nói đã giành 3 HCV, 2 HCB. Cũng mừng lắm vì cháu đã có được thành tích, đóng góp vào vị trí nhất toàn đoàn của Việt Nam. Sắp tới, cháu được nghỉ về nhà phải làm liên hoan mời cả làng”, ông Kỷ vui mừng nói.

Mẹ Duyên là bà Cao Thị Quang, 43 tuổi, mới đi gặt lúa về. Ngoài trông vào đồng lương ít ỏi của ông Kỷ, bà Quang chăm lo cho 2 sào ruộng để lấy gạo ăn. Nói về Duyên, bà Quang bùi ngùi cho biết: “Học lớp 4, cháu nó phải xa nhà để theo đuổi đam mê bơi lội. Cũng may có các thầy cô, trung tâm lo lắm, uốn nắn để cháu phát triển. Con bé có nghị lực từ bé nhưng xa vòng tay bố, mẹ khi vắt mũi chưa sạch thì vẫn cứ lo ngay ngáy. Nay cháu đạt được huy chương thì mừng lắm, phấn đấu mãi cũng có được quả ngọt”.

Bà Quang không muốn con gái đặt tương lai vào đồng ruộng như mình.

Bà Quang không muốn con gái đặt tương lai vào đồng ruộng như mình

Bà không muốn Duyên đặt tương lai vào đồng ruộng như mình. 18 tuổi lấy chồng, sinh con, sống quá nửa đời người vẫn chưa có nổi một ngôi nhà tử tế để che mưa, che nắng.

Ngôi nhà chừng 30m2, nằm vắt vẻo trên một quả đồi trọc không có phòng riêng cho con gái. Mỗi lần Duyên về thăm nhà phải xuống ngủ với bà nội, hiện đang sống cùng chú ruột. Cách đây chục năm, ông Kỷ, chồng bà và anh em họ hàng nhặt đá vụn, loại đá vốn chỉ dùng để xếp làm hàng rào, kiếm ít vôi vữa ghép thành nơi ở. Huy chương, bằng khen của Duyên vì thế cũng không có không gian để trưng bày.

Bảng thành tích của Cao Thị Duyên được treo trang trọng chính lối vào ngôi nhà.

Bảng thành tích của Cao Thị Duyên được treo trang trọng chính lối vào ngôi nhà

Theo thời gian, vách tường đã tróc lở, ông Kỷ phải căng thêm bạt để tránh nóng. Thế nên, biết là thương con, nhớ con nhưng vợ chồng bà Quang vẫn luôn tin tưởng, hy vọng, con gái mình có tương lai tốt khi gắn bó với nghiệp thể thao. 12 năm, kể từ ngày Duyên xa nhà, ông Kỷ vẫn miệt mài đội nắng cheo leo trên những mỏm đá, bà Quang ở nhà làm ruộng. Lúc nông nhàn thì làm thêm nghề đan cót kiếm đồng ra đồng vào. Người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi nhưng già khọm đi vì mưu sinh vất vả.

Nữ kình ngư phá kỷ lục thể thao Thanh Hóa

HLV Phạm Tuấn Anh, người trực tiếp huấn luyện Cao Thị Duyên từ năm 2015 cho biết, năm 2011, Cao Thị Duyên được các nhà tuyển trạch thể thao Thanh Hóa phát hiện, đào tạo để trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Cũng lứa với Duyên tại xã Cẩm Quý có 5 bạn nhưng giờ còn mỗi mình Duyên trụ lại với nghề.

Ban đầu, Duyên được lựa chọn, đào tào môn bơi. Trong quá trình tập luyện, em phát hiện bị viêm gan B, khó có khả năng phát triển. Thông thường những VĐV như thế sẽ được khuyên trở về gia đình, tiếp tục theo học văn hóa, lựa chọn con đường khác. Tuy nhiên, HLV Phạm Tuấn Anh đã tin tưởng, giữ lại chuyển Cao Thị Duyên sang bộ môn lặn. Theo vị HLV vừa cùng Duyên giành 3 HCV, 2 HCB SEA Games thì bơi và lặn có nhiều điểm chung nên việc chuyển môn không gặp nhiều khó khăn.

HLV Phạm Tuấn Anh và VĐV Cao Thị Duyên tại SEA Games 32

HLV Phạm Tuấn Anh và VĐV Cao Thị Duyên tại SEA Games 32

Việc đổi môn từ bơi sang môn lặn của Duyên là một quyết định đúng của những người làm thể thao Thanh Hóa. Ngay trong năm đầu tiên chuyển sang thi đấu môn lặn, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch các nhóm tuổi. Một năm sau đó (2016), Duyên đoạt HCV giải vô địch trẻ quốc gia. Năm 2017, ở tuổi 16, Duyên đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục tại giải VĐQG; đồng thời giành 2 HCV giải vô địch trẻ Châu Á.

Bảng thành tích của Cao Thị Duyên ngày một dày thêm khi tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục đại hội. Các năm 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vừng thành tích đoạt 2 HCV giải VĐQG. Năm 2022, được xem là năm bội thu huy chương khi cô gái quê Cẩm Thủy giành 2 HCV SEA Games 31, 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội TDTT toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội. HLV Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2023, Cao Thị Duyên sẽ tiếp tục tham dự 2 giải đấu quan trọng là giải VĐQG vào tháng 10 và giải VĐ Châu Á vào tháng 11.

“Ngay sau SEA Games 32, thầy trò chúng tôi tiếp tục luyện tập để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng khác. Mục tiêu SEA Games 32 đã hoàn thành. Tuy nhiên, thể thao chuyên nghiệp rất khắc nghiệt, chúng tôi luôn nhắc nhở Duyên là phải tiếp tục nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới. Tiếc là môn lặn mới chỉ tổ chức ở SEA Games và cao nhất là giải Vô địch Châu Á, chưa được đưa vào thi đấu tại Asiad hay Olympic. Hy vọng một ngày bộ môn này sẽ được quan tâm hơn để những VĐV như Duyên có cơ hội thi đấu ở những đấu trường cao hơn”, HLV Phạm Tuấn Anh cho biết.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer