Ngừng thử nghiệm truyền huyết tương trong điều trị COVID-19

Kênh tin CNBC dẫn nguồn Viện Y tế Quốc gia (NIH) cho biết họ đã tạm dừng thử nghiệm truyền huyết tương của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Quyết định được ban hành sau khi có kết luận của một nhóm chuyên gia rằng phương pháp này không có lợi ích gì.
04/03/2021 10:53

Ủy ban Giám sát an toàn và dữ liệu (DSMB) xác nhận rằng: Dù việc điều trị COVID-19 bằng huyết tương không gây hại, nhưng nó cũng không có hiệu quả với các bệnh nhân này - NIH cho biết trong một thông cáo.

Các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng trước đây cũng đã hoài nghi về việc truyền huyết tương là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19, dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành giấy phép sử dụng khẩn cấp phương pháp này trong việc điều trị bệnh COVID-19 hồi tháng 8/2020. Trước đây, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã quảng bá đây là một "bước đột phá" trong việc điều trị bệnh COVID-19.

huyet-tuong-reut-1614787584691625248432

Hình minh họa.

Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, cho biết: Phương pháp điều trị này có thể hiệu quả với bệnh nhân COVID-19 nhưng nó "không phải là một phương pháp có thể điều trị tại nhà". Ông cũng đồng ý rằng truyền huyết tương "chắc chắn" đáp ứng tiêu chuẩn để được phê duyệt sử dụng khẩn cấp "trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng".

Huyết tương, được lấy từ những bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 và phát triển các kháng thể chống lại virus, được truyền vào những bệnh nhân mắc bệnh. Các nhà khoa học đã hy vọng nó sẽ giúp khởi động hệ thống miễn dịch ở những bệnh nhân đó để chống lại virus SARS-COV-2.

Hồi tháng 1, một thử nghiệm lâm sàng quốc tế chuyên nghiên cứu các phương pháp điều trị bệnh COVID-19 tiềm năng, cũng đã tạm dừng thử nghiệm truyền huyết tương cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, do không tìm thấy hiệu quả của phương pháp này. Phân tích ban đầu trên 900 người tham gia thử nghiệm mắc COVID-19 thể nặng, được điều trị trong chăm sóc đặc biệt, cho thấy việc điều trị bằng phương pháp này không cải thiện rõ rệt sức khỏe bệnh nhân.

Ước tính, đã có trên 100.000 người được điều trị bằng phương pháp truyền huyết tương ở Mỹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát - theo NIH.

Gần đây, FDA cũng đã ra quy định mới hạn chế sử dụng phương pháp điều trị bằng huyết tương có nồng độ kháng thể cao.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer