Người đi xe máy ở Hà Nội đang bị phơi nhiễm carbon đen gấp 3 lần đi xe bus.

Theo nghiên cứu của tạp chí Atmospheric Environment, người đi xe máy tại thành phố Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm carbon đen cao hơn nhiều so với người sử dụng các phương tiện giao thông khác.
12/11/2020 14:22

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Atmospheric Environment, những người đi xe máy ở Hà Nội đang phải phơi nhiễm với một nồng độ carbon đen cao gấp gần 3 lần so với người đi xe bus. Những người đi ô tô cá nhân hoặc ô tô chở khách như taxi cũng có thể phơi nhiễm carbon đen gần gấp đôi nếu họ mở cửa sổ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội, Đại học Công nghệ Queenland và Đại học Queenland, Australia khuyến cáo người dân thủ đô nên sử dụng phương tiện công cộng như xe bus để di chuyển thay cho xe máy.

moitruong-phoinhiemcarbon-3

Carbon đen (Black carbon) hay muội than là những hợp chất carbon có thể hấp thụ toàn bộ ánh sáng Mặt Trời. Cũng bởi chúng không phản xạ lại bất kỳ một bước sóng khả kiến nào nên mới có màu đen sâu. Nguồn phát thải carbon đen chính ra môi trường thường là phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là đốt dầu diesel), hoạt động đốt củi, than trong đời sống hàng ngày của người dân, các nhà máy điện sử dụng dầu nặng hoặc than, việc đốt sinh khối nông nghiệp trên đồng ruộng cũng thiên tai cháy rừng, thảm thực vật.

Giống với PM10 hay PM2.5, carbon đen cũng là một chỉ số đo mức độ ô nhiễm không khí được sử dụng để đánh giá tác động tới sức khỏe con người.Carbon đen có liên quan đến các bất lợi trong sức khỏe tim mạch, sức khỏe trẻ sơ sinh, hệ thần kinh trung ương, ung thư phổi và tỷ lệ tử vong nói chung. Phơi nhiễm carbon đen cũng liên quan đến các vấn đề về hô hấp và được coi là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến huyết áp hơn cả phơi nhiễm với tổng khối lượng các hạt bụi PM.

Thực trạng phơi nhiễm carbon đen khi tham gia giao thông ở Hà Nội

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, thủ đô Hà Nội có dân số khoảng 8,05 triệu người. Phương tiện giao thông được sử dụng chủ yếu trong thành phố là xe máy, ô tô cá nhân, xe bus và taxi. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết tính đến đầu năm ngoái, thành phố có tổng cộng 5,7 triệu xe máy, 740.000 ô tô và 1.500 xe bus.Các nghiên cứu trước đây cho biết phương tiện giao thông là nguồn phát thải carbon đen chính trong thành phố, và cũng là thứ tạo ra nguy cơ phơi nhiễm cho chính người tham gia giao thông. 

Người đi xe máy ở Hà Nội đang bị phơi nhiễm carbon đen gấp 3 lần người đi xe bus 

Trên đây là kết quả đo được trong nghiên cứu. Biểu đồ này cho thấy: Trong tất cả các điều kiện đo, người đi xe máy đều phơi nhiễm với một nồng độ carbon đen cao gấp khoảng 3 lần người đi xe bus. Nồng độ carbon đen trung bình mà người đi xe máy phải tiếp xúc trên toàn tuyến đường là 29,4 μg/m3, trong khi của người đi xe bus là 10,1 μg/m3. Khảo sát với hành khách bắt ô tô taxi cho thấy mức phơi nhiễm trung bình 11,7 μg/m3 trong điều kiện đóng cửa sổ bật điều hòa tuần hoàn và lên tới 18,1 μg/m3 nếu họ mở cửa sổ.

Để so sánh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nồng độ carbon đen an toàn cho sức khỏe con người là dưới 20 μg/m3. Nồng độ carbon đen trong nhà và bên ngoài khu dân cư xung quanh thành phố Hà Nội lần lượt là 3,7 và 6,3 μg/m3.

moitruong-phoinhiemcarbon-2

Các tác giả nghiên cứu cho biết nồng độ carbon đen phụ thuộc vào mật độ giao thông trên tuyến đường. Nhìn chung, nguy cơ phơi nhiễm sẽ thấp hơn vào giờ thấp điểm hoặc vào cuối tuần và ngược lại, nó sẽ đạt đỉnh vào khung giờ cao điểm của ngày trong tuần. Nguy cơ phơi nhiễm carbon đen cao nhất đặt lên những người đi xe máy trong khung giờ cao điểm của ngày trong tuần, họ sẽ phải tiếp xúc với một nồng độ trung bình lên tới 39 μg/m3. Ngoài ra, dữ liệu trong thời gian thực cho thấy nồng độ carbon đen cao hơn rất nhiều khi họ đi qua các giao lộ và bến xe liên tỉnh và đặc biệt là khi dừng đèn đỏ ở các nút giao thông được coi là "điểm nóng ô nhiễm": 

Để làm rõ hơn nguy cơ phơi nhiễm, các nhà khoa học đã sử dụng một công thức tính lượng carbon đen mà một người tham gia giao thông có thể hít phải, dựa trên nồng độ carbon đen đo được, thời gian tiếp xúc và tốc độ hô hấp.Kết quả cho thấy liều hít phải trung bình mỗi giờ của người đi làm trên các phương tiện giao thông khác nhau: Người đi xe máy cao nhất là 17,6 μg/h; kế đó là người đi ô tô cá nhân (vị trí lái xe) 11,3 μg/h, hành khách ngồi sau ô tô (người đi taxi) với cửa sổ mở 8,9 μg/h. Người lái xe ô tô cá nhân với cửa sổ đóng vẫn hít phải 7,1 μg carbon đen mỗi giờ. Trong khi con số của hành khách đi xe bus chỉ là 4,7 μg/h. 

Các nhà khoa học ước tính rằng những người đi xe máy tiếp xúc với mức carbon đen cao hơn đáng kể so với những người sử dụng xe buýt và ô tô. Phát hiện này là bằng chứng cho việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ vừa đảm bảo giảm thiểu vấn nạn tắc đường, vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Theo Báo Cần Thơ

comment Bình luận

largeer