Người Việt mắc căn bệnh nào nhiều nhất châu Á?

Theo thống kê Việt Nam hiện đang là nước có số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất trong các nước châu Á - Thái Bình Dương.
17/10/2020 13:51

Đó là nhận định của giáo sư, bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM. Bác sĩ Ngọc cho biết tỷ lệ mắc bệnh này tại Việt Nam hiện tăng nhanh.

Gánh nặng COPD

Giáo sư Ngọc dẫn ra một thống kê năm 2008 cho thấy cả nước có 6,7% dân số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đến năm 2015, con số này tăng lên 9,4%.

COPD là tên của nhóm các bệnh phổi bao gồm: Viêm phế quản mạn, khí phế thủng. Các triệu chứng điển hình của bệnh là khó thở khi gắng sức, ho khạc đàm dai dẳng và thường xuyên nhiễm trùng phổi. Trước đây, COPD chủ yếu gặp ở nam giới, nhưng ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới gần tương đương nhau do nữ hút thuốc lá gia tăng.

Tại Việt Nam, khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy số lượng người dưới 16 tuổi mắc COPD là 4,1%. Trong số bệnh nhân mắc COPD, 29% đang dùng thuốc ngừa cơn liên tục. Số người được ghi nhận chưa bao giờ dùng thuốc ngừa cơn là 58%.

“Các đợt kịch phát COPD tạo ra gánh nặng rất lớn cho cả bệnh nhân, gia đình và cơ sở y tế”, bác sĩ Ngọc nhận định.

 
copd

Người đàn ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phụ thuộc máy thở vì bị teo cơ hô hấp. Ảnh: BSCC.

Đối với bệnh nhân mắc COPD thể nhẹ, đợt điều trị trung bình 7 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 416.000 đồng. Đợt ngoại trú trong một tuần, người bệnh mất chi phí khoảng 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thể nặng hơn, với bệnh nhân điều trị nội trú, con số này tăng lên 17 triệu đồng/tuần. Với người mắc COPD tình trạng nặng, chi phí khám, chữa bệnh lên tới 90 triệu đồng/15 ngày.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân mắc COPD có thời gian điều trị trung bình là 9,6 ngày, tổng chi phí khoảng 5,5 triệu đồng.

Theo ước tính của WHO, khoảng 65 triệu người trên thế giới có triệu chứng COPD từ mức độ trung bình đến nặng.

Năm 2002, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5. Các chuyên gia dự đoán đến 2030, vị trí này có thể lên hàng thứ 3 trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do COPD dự đoán sẽ tăng hơn 30% trong 10 năm tới. Tỷ lệ này chỉ giảm khi người dân có những hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn yếu tố nguy cơ.

Giáo sư, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết tác nhân chính gây bệnh COPD là hút thuốc lá.

Nguyên nhân là khói thuốc kích thích và gây viêm tại phổi, hình thành nên các xơ sẹo. Qua nhiều năm, tình trạng viêm đưa đến các thay đổi vĩnh viễn ở phổi, gây nên các triệu chứng khó thở, ho và khạc đàm trong bệnh cảnh COPD. Khói, bụi, ô nhiễm không khí và các rối loạn gene cũng có thể dẫn đến COPD nhưng hiếm gặp.

Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam ở mức cao, khoảng 47,6%. Kết hợp yếu tố ô nhiễm môi trường, COPD trở thành gánh nặng lớn trong số các bệnh lý đường hô hấp.

“Mua thuốc không kê đơn là tự giết chính mình”

Giáo sư Lan cho biết điều đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe người Việt là thói quen tự mua thuốc khi cảm thấy không khỏe, đặc biệt là có triệu chứng của COPD. Thậm chí, nhiều người mua các thuốc khác nhau ở nhiều cửa hàng, bấp chấp bệnh nặng hay nhẹ. Điều này vô tình khiến bệnh không được chẩn đoán sớm.

 
shadi_nahvi_helping_opiod_patients_quit_smoking

Số bệnh nhân mắc COPD tại Việt Nam tăng cao do tỷ lệ hút thuốc lá cao. Ảnh: Einstein.

“Những người mắc COPD thường dùng thuốc mua ở tiệm để cắt cơn. Tuy nhiên, chúng ta phải ngừa cơn chứ không đợi lên cơn rồi mới mua thuốc để cắt. Việc tự ý mua thuốc điều trị không đúng chỉ định như vô tình tự giết chính mình”, giáo sư Lan nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM lo lắng về tình trạng nhờn thuốc khi tự ý điều trị. Khi đó, người bệnh không còn thuốc để cấp cứu trong trường hợp cần thiết, việc chữa trị của nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo giáo sư Lan, giải pháp cho vấn đề này không chỉ nằm ở việc giáo dục kiến thức cho người dân mà còn phổ biến đến cả người bán thuốc.

“Tôi biết những dược sĩ rất có tâm, khuyên người mua tìm bác sĩ điều trị. Nhưng cũng không ít người vì lợi nhuận mà bán bất chấp dù biết tình trạng bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc tự kê. Thói quen mua các loại thuốc không phải do bác sĩ chỉ định cực kỳ nguy hại”, giáo sư Lan lo lắng.

Chuyên gia đầu ngành về bệnh lý hô hấp này cũng cảnh báo thêm về tác hại khôn lường của các loại thuốc cắt cơn tạm thời có chứa corticoid.

Bà cho biết thời điểm đầu, các loại này sẽ có tác dụng như “thuốc tiên” vì giúp giảm triệu chứng tức thì. Lâu dài, người bệnh sẽ lệ thuộc hoàn toàn và lập tức lên cơn nếu ngưng thuốc.

Bệnh nhân COPD dùng thuốc chứa corticoid, về lâu dài sẽ có dấu hiệu mặt và các chi trông mập hơn do cơ thể giữ nước, teo cơ, da mỏng, nổi mụn, giảm đề kháng giảm. Khi đó, bệnh nhân dễ mắc lao phổi nhiễm trùng, loãng xương, tiểu đường, cườm mặ, thậm chí ảnh hưởng tâm thần.

Để giảm nhẹ các ảnh hưởng COPD, mỗi người bệnh cần tự biết cách chăm sóc bản thân và nhận sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Khi đó, người bệnh có thể sống lâu hơn, giảm đau, ít lo lắng, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer