Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Lễ Vu lan báo hiếu

Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Chính ngày này cũng thể hiện rõ nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
12/08/2022 07:59

Lễ Vu lan là gì?

Lễ Vu lan là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Trung Hoa. Trong ngày này, người con sẽ dành cả lòng thành để báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ tổ tiên. Ngoài ra, các người con cũng sẽ phóng sinh, làm phước để cha mẹ được hưởng công đức.

Theo quyển "Đại Việt sử Ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, Lễ Vu lan bồn du nhập vào Việt Nam rất sớm, từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Qua thời gian, Lễ Vu lan không chỉ là một ngày lễ dành riêng cho Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguồn gốc Lễ Vu lan báo hiếu

Theo quan niệm của Phật giáo, Rằm tháng 7 gắn với Lễ Vu lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Kinh Vu lan chép rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình, Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên, do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Thấy vậy, Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy là: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày Lễ Vu lan ra đời.

Ý nghĩa Lễ Vu lan báo hiếu

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; Chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm, với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây, Lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vu lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên của cả kiếp này và cả những kiếp trước.

Năm 2022, Lễ Vu lan rơi vào thứ 6, ngày 12 tháng 8 Dương lịch.

Vì sao phải cài hoa hồng lên áo trong ngày Lễ Vu lan?

Vào ngày Lễ Vu lan, người ta sẽ cài lên ngực một bông hoa hồng để bày tỏ lòng thành với cha mẹ tổ tiên.  Nhiều người có câu hỏi rằng vào ngày Vu lan nên cài hoa gì?

Nghi thức bông hồng cài áo này bắt nguồn từ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kể rằng, trước năm 1962, trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật Bản vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s Day - Ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư đã được một cô gái cài lên áo chàng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng.

Năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên quyển sách mang tên “Bông hồng cài áo”. Chính câu chuyện trên của thiền sư đã là khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu lan và làm đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật về sau, điển hình là bài hát "Bông hồng cài áo" của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967.

Vào ngày Lễ Vu lan, khi đến chùa, bạn không nên quên dừng lại để cài cho mình một bông hồng trên ngực áo. Bông hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, do đó, khi cài bông hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, chữ hiếu mà con cái gửi đến đấng sinh thành.

Khi được cài bông hồng đỏ, bạn phải biết trân trọng điều đó, vì đó chính là điều khẳng định “Tôi thật may mắn khi còn cả cha và mẹ trên đời”. Nếu còn mẹ mất cha, bông hồng màu hồng sẽ dành cho bạn. Còn nếu không may không còn ba, mẹ trên đời nữa thì bạn sẽ nhận bông hoa hồng màu trắng.

Khi nhận được bông hoa trên ngực áo, bạn sẽ cảm thấy mình nên sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, và trân quý, đền đáp báo hiếu nếu mình còn cả ba và mẹ.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer