Nguy cơ bệnh đái tháo đường nếu bỏ bữa sáng, thức khuya

Nhiều người cho rằng bệnh đái tháo đường là do thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử gia đình. Nhưng nghiên cứu cho thấy, thói quen bỏ bữa ăn sáng, thức khuya... cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
26/06/2021 12:04

Bỏ bữa ăn sáng

Nhiều người cho rằng mắc bệnh đái tháo đường là do thừa năng lượng, và để phòng ngừa, họ cắt giảm nguồn năng lượng đưa vào cơ thể. Hậu quả bữa ăn sáng dễ bị “trảm” đầu tiên. Khi không ăn bữa sáng, sẽ làm gián đoạn các chức năng hoạt động của chất nội tiết insulin trong cơ thể, có thể khiến lượng đường trong máu thay đổi thất thường. Kết quả suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Việc bỏ bữa ăn sáng làm cho bạn có xu hướng sa vào thưởng thức nhiều thực phẩm có lượng đường cao hơn để vượt qua các cơn đói xuất hiện trong suốt cả buổi sáng đến trưa.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí sức khỏe Health Line cho thấy, bỏ bữa sáng 4 - 5 ngày mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên 55%. Các chuyên gia khuyến cáo giảm bớt bữa tối sẽ tốt hơn nhiều so với bữa sáng. Một nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành đái tháo đường Diabetes Care đã chỉ ra rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường thích ăn bữa sáng nặng và bữa tối nhẹ đã giảm lượng đường huyết xuống 20% so với những người ăn sáng nhẹ và ăn tối nhiều.

318

Bỏ bữa sáng 4 - 5 ngày mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên 55%

Thức khuya, lệ thuộc vào các thiết bị màn hình thông minh trước giấc ngủ tối

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Men’s Health cho rằng, những người thức khuya, làm việc kiểu “cú đêm” thường dễ sa vào những thói quen không lành mạnh, như hay ăn thêm bữa muộn hoặc đồ ăn lót dạ lúc nửa đêm, hay có thói quen hút thuốc lá để giữ cho tỉnh táo và thường lười biếng tập thể dục.

Thức khuya làm việc kiểu “cú đêm” cũng có tần suất tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo của máy tính, tivi và các thiết bị thông minh như lướt ipad hay điện thoại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo có thể làm rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và dẫn đến nguy cơ rối loạn đường huyết.

317

Nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo có thể làm rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và dẫn đến nguy cơ rối loạn đường huyết.

Thức khuya hơn bình thường cũng góp phần hình thành thói quen ngủ không tốt, dẫn đến thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Khi bạn thiếu ngủ, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị gián đoạn, điều này cũng ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả, và cuối cùng tạo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo BS. Lê Thanh Hải (SKĐS)

comment Bình luận

largeer