Nhiều người Pháp lo vaccine Covid-19 là 'bom hẹn giờ'

Bị ám ảnh bởi các vụ bê bối dược phẩm, lo rằng vaccine đã được phát triển quá nhanh, lo tác dụng phụ, một số người Pháp hoài nghi vaccine Covid-19.
28/12/2020 17:28

Hôm 27/12, cụ bà 78 tuổi, Mauricette, trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine. Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi: "Hãy tin tưởng vào các nhà khoa học và bác sĩ. Chúng ta là quốc gia của Thời kỳ Khai sáng và của Louis Pasteur. Hãy để lý trí và khoa học dẫn đường".

Song nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại. Họ nhớ về các vụ bê bối y tế Pháp trong những thập kỷ gần đây, sợ rằng vaccine Covid-19 được phát triển quá nhanh nhằm mang lại lợi nhuận cho các công ty dược phẩm lớn. Họ e ngại về tác dụng phụ lâu dài sau khi tiêm chủng, vài năm sau mới biểu hiện.

Pháp đã ghi nhận nhiều ca tử vong vì Covid-19 hơn hầu hết các nước châu Âu. Nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc sau hai đợt phong tỏa. Các chuyên gia cho rằng chần chừ trong việc triển khai vaccine làm giảm số người đi tiêm phòng.

phap

Bà Mauricette, 78 tuổi, là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 tại Pháp, ngày 27/12. Ảnh: AP

Lo ngại về vaccine chủ yếu đến từ chính trị gia cực tả và cực hữu. Song các cuộc thăm dò của cơ quan y tế cho thấy cử tri ôn hòa cũng có phần hoài nghi.

Justine Lardon, một người bị liệt chân, phải đi bằng nạng sau khi chịu tác dụng phụ nghiêm trọng từ vaccine viêm gan B năm 2010, đang lưỡng lự không biết có nên tiêm phòng Covid-19 hay không. Cô ủng hộ tiêm chủng, song lo ngại bác sĩ không thể theo dõi đầy đủ tình trạng sức khỏe.

"Nếu vaccine có thể quét sạch dịch bệnh thì thật tuyệt vời. Song tôi không muốn nó trở thành quả bom hẹn giờ", cô nói.

Chính phủ Pháp thận trọng cả khi đưa ra thông điệp của mình, muốn đảm bảo không bị coi là ép buộc công chúng. Các nhà chức trách khuyến khích bác sĩ thuyết phục bệnh nhân, rằng vaccine đem lại lợi ích lớn nhất cho họ và cả đất nước.

Hôm 27/12, Tổng thống Macron nhắc lại vaccine hoàn toàn miễn phí và không bắt buộc.

Lần tiêm chủng đầu tiên của Pháp không được phát sóng trực tiếp như nhiều quốc gia khác, không có bộ trưởng nào tham dự. Các quan chức đầu ngành cũng không xắn tay áo tiêm vaccine, thay vào đó, họ khẳng định nên ưu tiên cho những người dễ tổn thương nhất.

Tại một đất nước dân số già, nhiều người bị suy giảm trí nhớ, chính phủ chịu áp lực phải đưa ra hướng dẫn rộng rãi, nhận được sự đồng thuận của những người ở viện dưỡng lão.

Song, vẫn có nhiều người Pháp mong muốn được chủng ngừa càng sớm càng tốt.

"Tôi rất xúc động", bà Mauricette, người nhận mũi vaccine đầu tiên, nói.

"Bà là một ngôi sao đó", nhân viên y tế nhẹ nhàng gấp ống tay áo của bà xuống, phủ bên ngoài miếng gạc nhỏ tẩm cồn và nói.

Bác sĩ Samir Tine, trưởng bộ phận dịch vụ lão khoa tại cơ sở Paris, chia sẻ: "Chúng tôi không cần thuyết phục bà ấy. Bà bảo rằng ‘Chắc chắn rồi. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ để tránh mắc căn bệnh này’. Đó là một ngày quan trọng. Chúng tôi rất mong có vũ khí chống dịch và trở lại cuộc sống bình thường".

Pháp là nước bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất Tây Âu, ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm và ít nhất 62.000 trường hợp tử vong. Gần một phần ba số người chết sống tại viện dưỡng lão. Vì vậy, chính phủ quyết định tiêm vaccine trước tiên cho người già và nhân viên y tế ở đây.

Dịch bệnh đang gia tăng trở lại tại một số khu vực, đặc biệt là vùng nông thôn. Hôm 27/12, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo bệnh viện có thể gặp áp lực, không loại trừ khả năng phong tỏa lần thứ ba.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer