Nhiều thành phố đang thiếu hụt khoảng xanh và đối mặt với hiệu ứng 'ốc đảo nhiệt' đô thị

Tốc độ đô thị hóa hiện nay đang diễn ra quá nhanh cùng với việc thiếu hụt cây xanh nghiêm trọng khiến cho các thành phố lớn biến thành "ốc đảo nhiệt" đô thị.
23/10/2020 15:26

Miền Bắc có những ngày phải trải qua đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt phổ biến từ 36-38, có nơi trên 40oC. Thậm chí, nhiệt độ tại Hà Nội đo ngoài trời có lúc lên tới 60oC. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, là do hiện tượng đảo nhiệt. Bề mặt bê tông, đường nhựa... hấp thụ và tỏa nhiệt lớn, khiến môi trường đô thị luôn có nhiệt độ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, khi một lượng lớn cây xanh và hồ điều hòa đã được thay thế bằng các khối, nền bê tông, cốt thép, các cung đường trải nhựa… Các bề mặt này hấp thụ và toả nhiệt lớn, dẫn đến nhiệt độ đo ở gần các bề mặt này cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ không khí.

Nguyên nhân hình thành các “ốc đảo nhiệt” đô thị là do năng lượng mặt trời được chuyển thành hơi nóng khi đá, kính và bê tông trong các tòa nhà, vỉa hè, đường nhựa hấp thụ, tỏa ra. Cùng thời điểm đó, các thành phố lại thiếu hơi mát từ cây xanh và nước. Ngoài ra, nhiệt lượng cũng được tạo ra bởi những hoạt động và công nghệ của con người.

Các “ốc đảo nhiệt” sẽ cảm nhận được nhiệt lượng mạnh nhất vào ban đêm và khi đó, nhiệt độ giữa các thành phố với nhau và với vùng nông thôn sẽ có sự khác biệt lớn, cách biệt trong khoảng 1 - 3 độ C. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nhiệt lượng có thể sẽ mạnh mẽ hơn vào ban ngày, khi có nắng, nhiệt độ cách biệt giữa đô thị và nông thôn sẽ lên tới 8 - 12 độ C.

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư đến với các vùng đô thị đang diễn ra rất nhanh, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…. Quá trình gia tăng dân số, các phương tiện giao thông, xây dựng… kéo theo sự biến mất của các hệ thống điều hòa tự nhiên (cây cối, ao hồ…). Do ít cây xanh và nhiều bê-tông cùng nhựa đường, khí hậu tại các đô thị khác biệt nhiều so với miền quê xung quanh, nhiệt độ thành phố cao hơn quanh năm so với vùng quê.

Theo các chuyên gia, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị", giảm bức xạ, giảm nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đất. Cây xanh hấp thụ bức xạ mặt trời để lục diệp hóa, nước bốc hơi từ bề mặt lá hút nhiệt nên cây xanh có tác dụng làm giảm nhiệt độ của môi trường xung quanh nó.

1
Hà Nội đang thiếu không gian xanh.

Tại Hà Nội, khu vực trung tâm thiếu quá nhiều các tiện ích như công viên, cây xanh, hồ nước để điều hòa không khí. Thực tế, ngoài một số khu vực phố cũ có các hàng cây xanh như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Lê Thánh Tông… được trồng từ cách đây mấy chục năm tỏa bóng mát ngày hè, thì hầu hết tại các khu đô thị mới ở Hà Nội hiện nay chiếm tỷ lệ lớn là những bức tường bê-tông cao chót vót.

Điều này không chỉ khiến nền nhiệt ngoài trời liên tục tăng cao bất thường mà còn gây ra hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Người dân sống tại những nơi này, mặc dù được coi là khu đô thị cao cấp với những căn hộ hạng sang, nhưng thực tế không gian sống bị bó hẹp trong khoảng không nhỏ, ngột ngạt.

Diện tích đất cho cây xanh chỉ tồn tại trên bản vẽ

Chia sẻ với báo KTĐT, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, thời gian qua, xã hội chạy theo phát triển kinh tế, chạy theo giá trị bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản. Trong khi đó, môi trường sống không được quan tâm nhiều.

Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hoà, mặt nước… để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư xây nhà trước để có tiền, còn không gian công cộng làm sau, bởi lợi nhuận bất động sản vô cùng lớn.

 
05a3d505a0e1ef4f322e600cb90243e8
Nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản, ít không gian dành cho cây xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ tồn tại trên bản vẽ. Thực tế, các chủ đầu tư chỉ chú trọng tận dụng diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình mà ít quan tâm tới hạ tầng nói chung. Nhiều dự án thường tận dụng hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa thực trạng thiếu cây xanh tại dự án của mình.Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, những năm qua, khi nhu cầu của người dân đô thị có xu hướng tiêu dùng ổn định và xanh hóa đời sống thì nhiều dự án đã chú trọng đầu tư vào cảnh quan, dành phần lớn quỹ đất để phát triển các không gian xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nội dung bài viết được tài trợ bởi: Bancongxanh.com

comment Bình luận

largeer