Nhiều trường đại học xây dựng phương án đảm bảo an toàn học thực hành cho sinh viên

Đối với sinh viên, học viên bậc đại học, việc học thực hành đã là một phần quan trọng và điều tất yếu trong chương trình học. Nhận thấy những khó khăn trong mùa dịch mà sinh viên đang gặp phải, các nhà trường đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp sinh viên có nhiều thời gian thực hành hiệu quả.
21/09/2021 10:30

Tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), nhận thấy dịch COVID-19 đã có tác động và ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng do chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, thiếu kiến thức thực hành trong môi trường làm việc thực tế.

Chính vì vậy, ngoài việc triển khai dạy học và thi online đối với toàn bộ các học phần lý thuyết trong kỳ II và học kỳ hè năm học 2020 – 2021. Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã chủ động thích ứng, thay đổi linh hoạt các hình thức học tập vừa đảm bảo kế hoạch, chất lượng đào tạo các học phần thí nghiệm, thực tập, vừa hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em sinh viên hoàn thành chương trình học.

Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thực hiện và tuân thủ nguyên tắc 5K khi quay trở lại trường học tập

Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thực hiện và tuân thủ nguyên tắc 5K khi quay trở lại trường học tập

Theo đó, trường đã thí điểm mô hình triển khai thí nghiệm, thực tập trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 cho sinh viên năm cuối có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Thái Nguyên. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 132 sinh viên đủ điều kiện tham gia chương trình và được cách ly tại khu Ký túc xá (KTX) riêng của Trường

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ cộng đồng, nhà trường cũng đã tiến hành xây dựng khu vực an toàn trong khuôn viên trường, triển khai các học phần thí nghiệm, thực tập với các giải pháp phòng chống dịch trong mọi tình huống.

Đồng thời, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất như: khu vực làm việc, giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành ký túc xá, trạm y tế… Triển khai, thực hiện các yêu cầu cách ly tạm thời, cách ly tại chỗ, phân khu, phân luồng vừa tổ chức đào tạo các học phần thí nghiệm, thực tập và vận hành các hoạt động của Nhà trường theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Toàn bộ giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên tham gia chương trình đều phải cách ly y tế tại khu KTX riêng. Sau khi hoàn thành việc cách ly y tế tại KTX sẽ thực hiện “3 tại chỗ” (ăn – ngủ, sinh hoạt và giảng dạy, học tập tại chỗ); Toàn bộ khu KTX, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập sẽ được cách ly với bên ngoài và các hoạt động chung của nhà trường.

Đặc biệt, đối với sinh viên trong suốt quá trình học tập phải tuân thủ và chấp hành nghiêm các nguyên tắc 5K, “ba tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến” giữa khu ký túc xá và phòng thí nghiệm (xưởng thực tập). Nếu phát hiện có biểu hiện khác thường cần báo cáo ngay cho nhân viên y tế nhà trường để kịp thời xử lý.

HOCTHUCHANH

Còn tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện sinh viên vẫn phải học online, tùy từng môn với điều kiện thích hợp, nhà trường hỗ trợ sinh viên trong các môn học thực hành như thầy cô gửi video cụ thể, quan sát và tiến hành làm báo cáo, nhưng cũng có những môn, buộc phải đợi đến khi hết dịch để đến trường, mới có đầy đủ dụng cụ, mới có thể thực hành được.

Tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, sinh viên hiện nay cũng đã dần “bắt nhịp” với học trực tuyến, bởi đã quen với trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, với những môn học thực hành, thực sự không thể truyền tải với hình thức này. Chính vì vậy, nhà trường quyết định giảng dạy toàn bộ chương trình lý thuyết cho sinh viên và phần thực hành sẽ được thực hiện ngay sau khi Hà Nội hết giãn cách. Tức là phải ứng biến linh hoạt trong kế hoạch giảng dạy.

Thời điểm này, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên thời gian quay trở lại trường học của các bạn sinh viên vẫn chưa được xác định cụ thể. Thời gian tới, nhà trường và giáo viên cần tiếp tục giảng dạy và triển khai tốt những phương pháp giúp sinh viên có thể tiếp cận được với các môn học thực hành.

Hiện tại, những môn học thực hành chiếm 30% trong tổng số học phần của sinh viên, nên trong 10 tháng học, chỉ cần có tổng thời gian được trở lại trường khoảng 3 tháng là có thể hoàn thành những nội dung thực hành. Ngay khi dịch bệnh lắng xuống, sinh viên được trở lại trường, các thầy cô sẽ đưa ngay những nội dung cần học thực hành vào dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất giúp cho sinh viên có thể hoàn thành được chương trình học của mình mà vẫn đảm bảo được chất lượng “học đi đôi với hành”.

Với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên cũng nhận quyết định lùi thời gian thực hành lại và đành đợi hết dịch, sinh viên lên trường và tiến hành các buổi học thí nghiệm theo đúng tiến độ của chương trình học tập.

Còn Trường Đại học Cần Thơ, giải pháp trước mắt là khuyến khích sinh viên rút các học phần thực tập, thực hành trong kỳ học này. Nếu học kỳ sau được học tập trung, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các nhóm sinh viên đăng ký học phần thực hành. Đồng thời, thầy cô giáo của trường cũng truyền tải nội dung bài học bằng nhiều hình thức khác nhau trong trường hợp sinh viên gặp khó khăn như không có kết nối Internet hoặc đang bị cách ly.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer