Những bài thuốc trị bệnh từ củ cải trắng (phần 1)

Củ cải trắng còn gọi là bặc tử, lai phục tử, rau lú bú. Không chỉ là một loại rau củ khá phổ biến, củ cải trắng còn được xem là “thần dược nông thôn” và được ví với cái tên “Nhân sâm mùa đông” khi củ cải trắng đem lại vô vàn những công dụng cực kỳ đặc biệt.
15/06/2023 10:30

Theo ông Trần Văn Rum - Chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân ung thư của nhóm "Chiến thắng ung thư", trong Đông y nhận định, củ cải trắng vị cay ngọt, tính mát, vào kinh phế vị. Có tác dụng kiện tỳ tiêu thực, hạ khí hóa đàm, hóa tích khoan trung, sinh tân giải độc. Trị đầy bụng, ăn không tiêu, viêm khí phế quản, ho nhiều đờm, khàn tiếng, khái huyết, nục huyết, đái tháo đường và hội chứng lỵ. Địa khô lâu có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng, lưu thông hơi ở phổi. Chữa thủy thũng, viêm phổi, ngộ độc hơi than (oxyt carbon).

Những bài thuốc hữu ích trị bệnh từ củ cải trắng 

Bài thuốc 1: Chữa ho nhiều

Chuẩn bị: Củ cải trắng 1kg, quả lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa 250g, mật ong 250g.

Cách làm: Lê gọt vỏ, bỏ hạt; củ cải, gừng tươi rửa sạch thái nhỏ. Cho từng loại vào miếng vải thô sạch để vắt nước, xong để riêng. Đổ nước củ cải, nước lê vào nồi, nấu đến sôi thì bớt lửa lại, nấu tiếp cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào quấy đều và đun sôi lại. Khi nguội cho vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần một thìa canh pha vào nước nóng để uống, ngày 2 lần.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: 20 gram rau má tươi; 12 gram mỗi vị: lá chanh, lá tre; 16 gram vỏ rễ dâu; 8 gram mỗi vị: quả dành dành, cam thảo dây.

Cách thực hiện:

- Vỏ rễ dâu mang đi rửa sạch, phơi ráo, cho vào chảo sao mật.

- Mang quả dành dành rửa sạch, phơi héo, sau đó cho vào chảo và sao vàng.

- Mang rau má tươi, lá chanh, lá tre ngâm và rửa cùng với nước muối pha loãng. Điều này sẽ giúp bạn loại bỏ lượng vi khuẩn, bụi bẩn và lượng tạp chất còn sót lại trên bề mặt lá. Sau khi ngâm khoảng 15 phút, vớt lá ra ngoài và rửa lại với nước sạch.

- Cam thảo dây rửa với nước.

- Mang tất cả nguyên liệu cho vào nồi. Thêm 500ml nước lọc vào cùng.

Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml, tắt bếp. Uống từ ngụm thuốc ngay khi còn ấm. Thực hiện 2 lần/ngày (buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ). Thực hiện trong khoảng 5 ngày sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.

Nên kiêng: Các loại hải sản, đồ ăn quá lạnh, cay nóng, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ.

Bài thuốc 2: Chữa viêm họng

Chuẩn bị: Củ cải tươi (1 - 2 củ), một ít đường phèn (hoặc thay bằng mật ong).

Cách làm: Củ cải cạo vỏ, rửa sạch, cắt dạng sợi, đem trộn với đường phèn, cho vào hũ để qua đêm cho ra nước rồi chắt lấy nước này uống. Cứ khi nước ra, lại chắt lấy nước, làm liên tục vài ngày.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Xuyên tâm liên, kim ngân hoa, mạch môn, huyền sâm, mỗi vị 12 gram. Sắc uống. Dùng liên tục 7 – 9 ngày.

Nên kiêng: Thực phẩm nhiều dầu mỡ; Các món cay nóng, Các món ăn lạnh; Thực phẩm có vị chua; Đồ uống có cồn và chứa chất kích thích.

Những bài thuốc trị bệnh từ củ cải trắng. Ảnh: Caythuoc

Những bài thuốc trị bệnh từ củ cải trắng. Ảnh: Caythuoc

Bài thuốc 3: Chữa người già bị viêm phế quản mạn tính

Chuẩn bị: Hạt cải củ sao 12g, hạt tía tô 12g. Sắc uống trong ngày.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Bì sứa 120g, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị, hầm nhừ chia ăn 2 lần trong ngày.

Nên kiêng: Tránh các loại thực phẩm ngọt, đồ uống có ga

Bài thuốc 4: Chữa viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm

Chuẩn bị: Hạt cải củ sao 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị:

- 12g mỗi vị: Đảng sâm, thiên môn, bạch truật, hoàng kỳ, mạch môn, xuyên tâm liên.

- 10g mỗi vị: Cát cánh, cam thảo, ngọc trúc, hạnh nhân, thiên hoa phấn, huyền sâm, tang bì, tô tử,

- 4g ngũ vị tử.

Các vị thuốc đem sắc lấy nước uống 2 ngày 1 thang. Cần duy trì liên tục khoảng 2 tuần cho mỗi đợt điều trị.

Nên kiêng: Tránh các loại thực phẩm ngọt, đồ uống có ga

Bài thuốc 5: Chữa các trường hợp suy nhược, hen suyễn, viêm khí phế quản mạn tính, cảm sốt ho nhiều đờm dùng nước ép củ cải hấp đường phèn

Chuẩn bị: Củ cải tươi (hoặc luộc chín) 500g. Ép lấy nước, thêm đường phèn lượng thích hợp cho uống, ngày 1 lần.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Dùng món canh thịt dê, cá diếc, củ cải. Cụ thể thịt dê 100g, cá diếc 1 con, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị nấu canh lẩu, ăn nóng.

Nên kiêng: Chất kích thích, thực phẩm có gas, thực phẩm đông lạnh, ngâm chua.

Bài thuốc 6: Chữa tiêu hóa kém, bụng trướng

Chuẩn bị: Hạt cải củ sao 12g, chỉ xác 8g, thần khúc sao sém 16g. Sắc kỹ uống trong ngày.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: 20g khổ sâm, sắc đặc uống mỗi ngày.

Chú ý: Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em không nên sử dụng.

Nên kiêng:

- Đồ cay, Các món chiên xào.

- Rau sống, thịt cá chưa được nấu chín.

- Rượu, bia, thức uống có ga.

Bài thuốc 7: Chữa lỵ đau mót đại tiện

Chuẩn bị: Hạt cải củ 12g, tỏi 1 củ. Hạt cải củ nghiền thành bột, tỏi củ giã nát ép lấy nước. Uống bột thuốc và nước tỏi với nước đun sôi còn nóng.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Dùng lá mơ và lá cổ trâu mỗi loại 20g, lá lốt và nụ sim mỗi loại 10g. Đem hỗn hợp trên sắc cùng 700ml nước lấy 200ml. Chia uống 2 lần.

Nên kiêng:

- Tránh các món ăn cay, nhiều dầu mỡ.

- Tránh các loại trái cây nhiều chất xơ: bưởi, cam, quýt.

- Đồ uống có cồn, gas hoặc caffeine.

Bài thuốc 8: Dùng cho người lao phổi, giãn phế quản

Chuẩn bị: Củ cải trắng hoặc xanh 1kg, thịt dê (hoặc cừu) 500g, hành, gừng tươi, rượu trắng, gia vị.

Cách làm: Thịt dê bóc màng lọc gân, rửa sạch, cắt miếng nhỏ rồi đem trụng nước sôi, vớt ra rửa sạch để ráo nước, rồi ướp hành, gừng, rượu trắng và cho vào nồi với lượng nước vừa dùng, nấu sôi. Củ cải cạo vỏ rửa sạch, cắt miếng nhỏ, trụng nước sôi vớt ra, cho vào nồi nấu thịt dê đang sôi, nấu cho chín mềm, nêm nếm gia vị.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Yến sào hầm bạch cập: bạch cập 10g, yến sào 10g, đường phèn 10g.

Cho vào ca nhôm, thêm nước, đun cách thủy cho chín nhừ, thêm đường phèn khuấy cho tan. Mỗi ngày chia 2 lần ăn. Dùng cho các trường hợp giãn khí phế quản, lao phổi, ho lẫn đờm và huyết (khái huyết) tái đi tái lại, hen phế quản, viêm khí phế quản ở người cao tuổi.

Nên kiêng: Các món cay, kích thích,...; Không được uống rượu mạnh, cà phê, hay trà đặc….

Bài thuốc 9: Đái tháo đường

Chuẩn bị: Củ cải 200g, gạo tẻ 50g và một ít nếp đem nấu cháo. Dùng lúc cháo nóng, ngày 2 lần.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: 40g sinh địa, 40g sơn dược, 20g hoàng kỳ, 12g lá lách heo ( đã xẩy khô, tán thành bột ). Sắc lấy nước uống hết trong ngày.

Nên kiêng:

- Kiêng thực phẩm nhiều đường, quá ngọt.

- Hạn chế tinh bột.

- Không sử dụng thực phẩm nhiều chất béo bão hòa.

- Kiêng đồ uống có cồn, chất kích thích...

Bài thuốc 10: Chữa lao phổi, ho ra máu, đau tức ngực

Chuẩn bị: Củ cải 300g nấu với 400ml nước lấy 100ml, bỏ bã. Thêm 9-10g phèn chua, 150g mật ong, quấy đều, đun lên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50ml lúc bụng đói.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Dùng 30g bọ mắm, 30gr cây long thảo dơi đem sắc lấy nước chia 3 lần uống hằng ngày. Uống liên tục trong một thời gian dài từ 2 – 3 tháng để thấy hiệu quả tốt nhất.

Sẽ làm thuyên giảm các cơn ho, ho ra máu và giết vi khuẩn lao.

Lá thuốc dòi trị lao phổi rất tốt và an toàn được nhiều người sử dụng rộng rãi, không xảy ra tác dụng phụ.

Nên kiêng: Các món cay, kích thích...; Không được uống rượu mạnh, cà phê, hay trà....

Bài thuốc 11: Chữa táo bón

Chuẩn bị: Dùng củ cải tươi xào với tỏi ăn trong bữa cơm. Ngày 2 lần. Ăn trong 3 – 5 ngày.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: Lấy củ khoai lang ép lấy nước cốt uống mỗi lần khoảng 200ml trước bữa ăn ( lúc đói ). Ngày uống 3 lần. Thực hiện liên tục 1 tuần sẽ tiến triển rõ ràng.

Đối với trẻ em có thể lấy lá khoai lang giã nát rồi vắt nước cốt uống mỗi ngày (70g).

Nên ăn: Rau mồng tơi, rau má, rau diếp cá, khoai lang, củ cải, cà rốt, chuối, lê, đu đủ, quả mơ, sữa chua...

Nên kiêng: Thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh; Đồ ăn cay nóng, thịt đỏ; Bia, rượu, chất kích thích.

Bài thuốc 12: Chữa khản tiếng, mất tiếng

Chuẩn bị: Củ cải, gừng tươi liều lượng tùy ý, ép lấy nước chia ra cho uống rải rác ít một trong ngày để ngậm và nuốt từ từ. Có thể trộn cùng nước giá đậu xanh cũng rất hay.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc này:

Chuẩn bị: 50g bách hợp nấu nhừ sau cho thêm 100g nước củ cải và 100g nước mía. Uống hỗn hợp này 1-2 tiếng trước khi đi ngủ.

Nên kiêng: Thực phẩm cay nóng; Thực phẩm chế biến chiên, nướng; Thực phẩm có chất kích thích.

Nên ăn: Giá đỗ, Củ cải luộc gừng; Cam, chanh, bưởi, quất.

Ông Trần Văn Rum - Chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân ung thư của nhóm "Chiến thắng ung thư"

comment Bình luận

largeer