Những công dụng chữa bệnh của long đởm thảo

Theo y học cổ truyền, rễ và thân rễ cây long đởm thảo có vị đắng, thông vào các kinh Can (Gan), Đởm (Mật) và Bàng quang. Vị thuốc này được biết đến với các công dụng như thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu,...
04/03/2024 17:11

Long đởm thảo có tên khoa học là Gentiana Scabra, thuộc họ Long đởm: Gentianaceae, phân bố ở Trung Quốc. Qua một số nghiên cứu, chiết xuất từ rễ long đởm thảo được biết đến với các tác dụng như:

- Điều trị tiểu đường type 2.

- Chống oxy hóa và bảo vệ gan.

- Chống đông máu.

- Chống khối u.

Về đặc điểm, long đởm thảo là cây thân thảo, nhỏ, sống lâu năm và có nhiều rễ chùm. Phần rễ này được dùng làm thuốc cùng với thân rễ. Thân cây có nhiều đốt, lá không có cuốn và nhọn dần về đuôi lá. Hoa long đởm thảo có màu xanh lam và có hình chuông xòe.

longdom

Cây long đởm thảo. Ảnh: Caythuoc.org

Những công dụng của long đởm thảo

Theo y học cổ truyền, rễ và thân rễ cây long đởm thảo có vị đắng, thông vào các kinh Can (Gan), Đởm (Mật) và Bàng quang. Vị thuốc này được biết đến với các công dụng như:

- Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.

- Tiêu viêm, điều trị đơn độc và sưng lở.

- Kích thích tiêu hóa và giúp đại tiện dễ dàng.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng 2 – 3g rễ long đởm thảo (có thể sắc, hãm hoặc ngâm rượu uống), uống trước khi ăn khoảng nửa tiếng. Với liều lớn hơn, vị thuốc này lại có tác dụng đối với các bệnh khác như:

- Lỵ, tiểu ra máu.

- Viêm gan, vàng da, đau mắt đỏ.

- Sốt, đổ mồ hôi trộm, đau họng.

Liều lượng: Dùng từ 6 – 15g thuốc sắc.

Ngoài ra, cây long đởm thảo còn được dùng ngoài da bằng cách lấy cây tươi, giã nát rồi đắp lên vùng da bị áp xe, viêm mủ, nhọt độc và viêm hạch.

Lưu ý:

Trong dùng thuốc: Vị thuốc long đởm thảo rất đắng. Vì vậy, không nên dùng trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như các tác dụng phụ.

Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Long đởm thảo giúp kích thích tiêu hóa nhưng không nên dùng quá liều. Thêm vào đó, thuốc nên được uống trước khi ăn. Nếu uống quá liều sau khi ăn sẽ gây tác dụng ngược lại, làm tiêu hóa kém, nhức đầu, hoa mắt, đỏ mặt… 

Đối tượng cần tránh: Những người bị tả do tỳ vị hư nhược hay sốt do âm hư không nên dùng. Bên cạnh đó, những người không bị thấp nhiệt và không bị thực hỏa cũng không nên dùng.

Ngoài cây này, trong Đông y cũng dùng nhiều loại khác và cũng gọi là long đởm như Gentiana Lourerii, Gentiana Rigescens… Ngoài ra, trong Tây y cũng dùng một loại khác là Gentiana lutea.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer