Những dấu hiệu để nhận biết bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm, nhìn thấy nhiều mạch máu nhỏ li ti ở cổ chân và bàn chân... đó là những dấu hiệu để nhận biết bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Một số bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới nặng phải phẫu thuật.
08/12/2021 09:40

Vậy ca phẫu thuật sẽ diễn ra thế nào? Cần lưu ý điều gì? TS.BS Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới 

Bình thường hệ thống tĩnh mạch chi dưới có hệ thống van một chiều, đảm bảo cho dòng máu di chuyển ngược chiều từ ngoại vi về trung tâm. Do gánh nặng tuổi tác, các cấu trúc thành mạch thoái hóa hoặc ở một số đối tượng có nguy cơ cao như tư thế làm việc đứng lâu ngồi nhiều, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, có thai hoặc dùng thuốc tránh thai định kỳ, yếu tố gia đình…làm hệ thống van một chiều của tĩnh mạch bị hư hỏng không hồi phục điều này dẫn tới ứ máu ở ngoại vi chi dưới gây nên các biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có biểu hiện tức nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm; nhìn thấy nhiều mạch máu nhỏ li ti ở cổ chân và bàn chân.

Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây đau nhức, phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da.

Phương pháp phẫu thuật

Bệnh này cần phải phẫu thuật khi chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch gây biến chứng loét, giãn lớn các tĩnh mạch hoặc gây đau tức khi vận động đi lại, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

gian_tinh_mach_chi_duoi

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ hệ thống tĩnh mạch giãn giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch dưới da. Điều này giúp các tĩnh mạch giãn không tăng lên và ngăn ngừa các giãn tĩnh mạch mới phát triển. Việc loại bỏ hệ thống tĩnh mạch nông không làm ảnh hưởng đến vận chuyển máu về tim vì nó sẽ đi theo hệ thống tĩnh mạch sâu (nằm sâu bên trong cơ).

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được siêu âm đánh giá mức độ giãn và đánh dấu các tĩnh mạch bị ảnh hưởng để loại bỏ. Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi hệ thống tĩnh mạch sâu bình thường đủ khả năng thay thế hệ tĩnh mạch nông.

Bệnh nhân thông thường sẽ được gây tê tủy sống (tiêm thuốc vào khoang cạnh sống ở lưng)

Bác sỹ phẫu thuật sẽ rạch da vùng đầu trên (ở bẹn) và đầu dưới (trên mắt cá) của tĩnh mạch nông sau đó luồn một dụng cụ vào dọc theo đường đi của tĩnh mạch để lột bỏ...

Biến chứng

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

Tụ máu sau mổ: Sau mổ đa phần bệnh nhân sẽ bị bầm tím dọc theo đường đi của tĩnh mạch (dọc mặt trong đùi cẳng chân), máu tụ sẽ tan dần và mất đi sau khoảng 2 -3 tuần.

Tổn thương thần kinh: Biến chứng này không thường xuyên xảy ra, khoảng 1/20 ca. Các thần kinh cảm giác dưới da bị tổn thương dẫn đến tê bì dị cảm, giảm cảm giác.

Huyết khối tĩnh mạch sâu: Biến chứng này có thể gặp ở bất kỳ phẫu thuật nào. Đôi khi dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như nhồi máu phổi. Băng ép và vận động sớm sau mổ giúp hạn chế biến chứng này.

Tái phát: Giãn tĩnh mạch tái phát có thể gặp 1/15 ca. Những tĩnh mạch chưa bị ảnh hưởng tại thời điểm phẫu thuật có thể giãn tăng lên sau đó.

Lưu ý sau khi phẫu thuật

Một số bệnh nhân sẽ cảm thấy đau và khó chịu tăng lên từ ngày thứ 2 sau mổ, cảm giác khó chịu nhất ở ngày thứ 8 đến thứ 10 nhưng sau đó sẽ giảm dần sau vài tuần sau mổ.

Ngày đầu sau mổ, người bệnh có thể tập co duỗi chân khi nằm trên giường, từ ngày thứ 2 trở đi tập đi lại quanh giường và đi từng đoạn ngắn. Trong 1 tuần đầu sau mổ nên kê cao chân khi ngủ.

Đi tất áp lực trong vòng 1 tháng sau mổ, khi nằm nghỉ ngơi có thể tháo ra.

Sau mổ 1 đến 4 tuần, người bệnh có thể trở lại lao động tùy theo tính chất công việc. Người bệnh có thể lái xe sau 2 tuần phẫu thuật. Hoạt động thể thao như đi bộ, bơi, đạp xe… có thể thực hiện được sau mổ 1 tuần.

Duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, ít chất béo, tránh ngồi lâu đứng lâu, tiếp tục đi tất áp lực thêm ít nhất 4 tuần để tránh tái phát các nhánh tĩnh mạch bị suy giãn trong tương lai.

Đỗ Hằng (Bệnh viện Bạch Mai)

comment Bình luận

largeer