Những điều cần biết về bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì? Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì? Bệnh tiểu đường tuýp 1 được điều trị như thế nào? Trẻ em có dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không? Có lẽ là những câu hỏi mà cha mẹ thường đặt ra cho bác sĩ.
11/09/2023 08:55

1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Bệnh tiểu đường tuýp 1 (đôi khi được gọi là “đái tháo đường” tuýp 1) là một bệnh lý mà trong đó, cách cơ thể chúng ta điều hòa đường huyết bị rối loạn.

Tất cả các tế bào trong cơ thể bạn đều cần đường để hoạt động bình thường. Đường đi vào tế bào với sự trợ giúp của một loại hormone gọi là insulin. Nếu không có đủ insulin hoặc nếu cơ thể không đáp ứng với insulin, đường sẽ tích tụ trong máu. Đó là những gì xảy ra với những người mắc bệnh tiểu đường.

Có 2 loại bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có ít hoặc không có insulin. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đôi khi cũng tạo ra quá ít insulin, nhưng vấn đề thường gặp hơn là tế bào của họ không đáp ứng với insulin.

20220722_tieu-duong-o-tre-1

(Ảnh: Medlactec)

2. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Các triệu chứng bao gồm:

- Khát nước nhiều,

- Uống nước nhiều

- Rất mệt mỏi

- Đi tiểu thường xuyên

- Sụt cân

- Giảm thị lực, nhìn mờ

Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng có thể gây buồn nôn hoặc nôn, đau bụng và thở nhanh.

3. Làm thế nào để biết con của bạn có mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hay không?

Bác sĩ hoặc y tá có thể làm xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu của bé. Xét nghiệm sẽ cho biết bé có mắc bệnh tiểu đường hay không. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán đó là tuýp 1 hay tuýp 2 – dựa trên tuổi, cân nặng của bé và các yếu tố khác.

4. Bệnh tiểu đường tuýp 1 được điều trị như thế nào?

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 bao gồm 2 phần chính:

- Đo lượng đường trong máu thường xuyên để đảm bảo lượng đường trong máu không quá cao hoặc quá thấp. Bác sĩ hoặc y tá sẽ giải thích cách đo lượng đường trong máu của bạn và tần suất thực hiện. Bạn có thể theo dõi lượng đường trong máu của mình bằng ứng dụng điện thoại, công cụ trực tuyến hoặc biểu đồ giấy.

- Sử dụng thuốc tiêm insulin hoặc máy bơm insulin để giữ lượng đường trong máu ở mức phù hợp. (Máy bơm insulin là một thiết bị bạn đeo gần cơ thể. Nó được kết nối với thiết bị được cố định dưới da của bạn và cung cấp insulin qua đó.)

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng cần lên kế hoạch cẩn thận cho bữa ăn và mức độ hoạt động của mình. Đó là bởi vì ăn uống làm tăng lượng đường trong máu, trong khi hoạt động tích cực lại làm giảm lượng đường trong máu. Mặc dù cần phải lập kế hoạch, những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể có chế độ ăn bình thường, năng động, ăn uống bên ngoài và làm tất cả những việc mà hầu hết những người bình từng khác đều làm.

Có những điều khác bạn có thể làm để giữ sức khỏe, chẳng hạn như không hút thuốc. Việc tiêm vắc-xin cúm hàng năm cũng rất quan trọng. Một số người cũng cần tiêm vắc-xin để ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

5. Tôi cần gặp bác sĩ hoặc y tá bao lâu một lần?

Bạn có thể sẽ cần gặp bác sĩ hoặc y tá ít nhất 3 hoặc 4 lần một năm. Đôi khi bạn sẽ cần thăm khám nhiều hơn để tìm hiểu cách kiểm soát bệnh tiểu đường của mình hoặc nếu lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt.

Trong các lần thăm khám, bác sĩ hoặc y tá sẽ đo lượng đường trong máu của bạn bằng xét nghiệm có tên “HbA1C”. Xét nghiệm này cho bạn biết mức đường huyết trung bình của bạn trong vài tháng qua. Kết quả sẽ giúp bác sĩ hoặc y tá quyết định xem có nên điều chỉnh phương pháp điều trị cho bạn hay không.

Trong một số lần thăm khám, bác sĩ hoặc y tá cũng sẽ kiểm tra các khía cạnh khác về sức khỏe của bạn. Ví dụ, họ có thể đo huyết áp hoặc cholesterol trong máu của bạn. Điều rất quan trọng là bạn phải tái khám theo hẹn với bác sĩ của mình.

6. Tại sao điều quan trọng là giữ lượng đường trong máu của chúng ta gần mức bình thường?

Lượng đường trong máu cao có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng sau một thời gian dài. Nó có thể dẫn đến:

- Tổn thương thần kinh

- Bệnh thận

- Giảm thị lực (thậm chí mù)

- Đau hoặc mất cảm giác ở tay và chân

- Có thể phải đoạn chi khi có biến chứng viêm loét hoặc nhiễm trùng nặng

- Bệnh tim và đột quỵ

Lượng đường trong máu thấp cũng không tốt. Nó có thể khiến tim bạn đập nhanh, khiến bạn run rẩy và đổ mồ hôi. Nếu lượng đường trong máu xuống quá thấp, nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như đau đầu, lơ mơ, bất tỉnh hoặc thậm chí bị co giật.

7. Tại sao việc giữ huyết áp và cholesterol ở mức thấp lại quan trọng?

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Giữ huyết áp và cholesterol ở mức thấp có thể giúp giảm những rủi ro đó.

Nếu bác sĩ hoặc y tá yêu cầu bạn dùng thuốc huyết áp hoặc thuốc điều trị cholesterol, hãy nhớ dùng chúng. Các nghiên cứu cho thấy những loại thuốc này có thể ngăn ngừa các cơn đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong

Theo Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

comment Bình luận

largeer