Những điều cần biết về rau tiền đạo

Rau thai cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển, đồng thời loại bỏ những chất thải từ máu của em bé. Rau thai bám vào thành tử cung và dây rốn của em bé.
02/02/2023 16:26

Rau tiền đạo là gì?

Rau tiền đạo là bánh rau bám ở đoạn dưới tử cung, có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ trong của cổ tử cung, làm cản trở đường ra của em bé trong chuyển dạ.

Thai phụ có rau tiền đạo khá phổ biến, chiếm khoảng 1/200 các trường hợp. Tần suất tăng lên ở những người có tiền sử rau tiền đạo ở thai kỳ trước, mổ lấy thai, mổ tử cung vì bất kỳ lý do nào, sinh nhiều lần, phụ nữ lớn tuổi mang thai, tử cung có hình dạng bất thường, mẹ hút thuốc lá,...

20190718_084958_342105_rau-tien-dao.max-1800x1800

(Ảnh minh họa)

Phân loại

Dựa vào vị trí bám, rau tiền đạo được phân chia thành 4 loại :

Rau bám thấp: Bờ bánh rau bám vào đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung

Rau bám mép: Bờ bánh rau bám đến lỗ trong cổ tử cung

Rau tiền đạo bán trung tâm: Bánh rau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung

Rau tiền đạo trung tâm: Bánh rau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung

Dấu hiệu thường gặp trong rau tiền đạo là gì?

Xuất huyết âm đaọ bất thường (ra máu đỏ tươi)

Xuất huyết dao động từ nhẹ đến nặng, có thể ít hoặc nhiều

Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần

Một số thai phụ có rau tiền đạo có thể đối mặt với các cơn co thắt đi kèm với xuất huyết

Do đó, nếu thai phụ có chảy máu âm đạo bất thường trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kì, hãy đến bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp chảy máu nặng, cần phải được cấp cứu ngay

Biến chứng

Đối với thai phụ: Bệnh gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ khiến thai phụ thiếu máu, dễ sinh non. Trường hợp rau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau sinh bánh rau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh rau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung

Đối với thai nhi: Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai suy dinh dưỡng , suy thai. Khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai cấp, mặc dù thai chưa đủ tháng khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp. Thêm vào đó, việc bánh rau nằm ở phần dưới tử cung khiến thai khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai bất thường

Xử trí

Nguyên tắc chung trong của điều trị rau tiền đạo là cầm máu cấp cứu thai phụ. Tùy vào tuổi thai, mức độ xuất huyết, khả năng nuôi dưỡng sơ sinh cũng như mức độ mất máu để có chỉ định kéo dài tuổi thai hoặc mổ lấy thai. Trong điều kiện bệnh nhân ổn định hoặc không có triệu chứng, mổ lấy thai được chấp nhận vào 37 - 38 tuần.

Phòng ngừa rau tiền đạo

Hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, không khuyến cáo mang thai khi đã đủ con

Tuân thủ các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết

Không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá khi mang thai

Nghỉ ngơi, tránh việc nặng nhọc

Đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác khi có những dấu hiệu kể trên

Nhập viện theo dõi khi được chẩn đoán mắc bệnh ở những tháng cuối thai kì. 

Theo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

comment Bình luận

largeer