Những hành động ý nghĩa thiết thực dành cho học sinh

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; ở nhiều nơi, đã bắt đầu dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, có hàng ngàn học sinh vẫn thiếu điều kiện, trang thiết bị để học theo hình thức này. Do dó, cơ quan nhà nước đã cùng vào cuộc để huy động sự đóng góp, hỗ trợ giúp học sinh an tâm bắt đầu năm học mới.
13/09/2021 14:57

Đơn cử như lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" được diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh thành vào tối 12/9, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Trước đó, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến. Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh, TP đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Do đó, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đặt mục tiêu bảo đảm việc phủ sóng di động toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến; phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Trong năm 2021, huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến...

Ngay tại lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lần lượt công bố các khoản đóng góp lớn cho chương trình "Sóng và máy tính cho em". Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ sẽ miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng. Các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được 63 tỷ, 8 máy tính và 630 điện thoại thông minh cho chương trình.

Viettel, VNPT, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch này lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến.

Các nhà mạng cũng cam kết sẽ hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT phục vụ việc dạy và học trực tuyến như máy chủ, chỗ đặt máy chủ và đường truyền Internet. Kế hoạch này sẽ kéo dài trong 3 tháng với kinh phí dự kiến là 450 tỷ đồng.

Tính tới cuối lễ phát động, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp.

tangmaychohocsinh

Ở nhiều địa phương, việc phát động này cũng đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh hưởng ứng ngay trong tuần đầu thực hiện. Cụ thể tại Hà Nội, trong một tuần, 2.345 máy tính, điện thoại thông minh đã được quyên góp hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến. Ngoài ra, ngành giáo dục Hà Nội cũng đã trao hỗ trợ cho gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 600 triệu đồng; trao 700 túi quà "An sinh công đoàn" tới các đoàn viên của các đơn vị trực thuộc có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê từ các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, đến nay, nhiều đơn vị đã đủ thiết bị học trực tuyến cho 100% học sinh các trường Tiểu học, THCS; tiêu biểu như tại quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai... 

Còn tại TP HCM, Sở GD&ĐT đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội giúp học sinh. Trong đó, 15.000 máy được kêu gọi từ doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân. Sở sẽ vận động công ty dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước rẻ cho học sinh.

Ngoài ra, khoảng 40.000 thiết bị cũ được kêu gọi từ phụ huynh và mạnh thường quân, trường đại học góp. Trường học sẽ tiếp nhận, sửa chữa và cài đặt phần mềm phù hợp cho học sinh. Khoảng 30.000 thiết bị còn lại được kêu gọi từ các gói vay ưu đãi, mua trả góp của ngân hàng, các siêu thị điện máy giúp phụ huynh.

Cũng tại TP HCM, hoạt động mở rộng từ chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thực hiện từ năm 2013. Đến nay, chương trình đã tiếp nhận sự đóng góp từ cộng đồng những máy tính cũ và phụ kiện, sau đó tiến hành sửa chữa và trao tặng gần 1.000 bộ máy vi tính, trong đó có 10 phòng máy cho người dân những địa phương khó khăn tại các huyện ngoại thành của TPHCM và các tỉnh (Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Kiên Giang, Hậu Giang, Bình Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh…) và hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai…

Chương trình cũng thường xuyên kết nối các địa phương, trường học, người dân khó khăn để nắm bắt nhu cầu thực tế và hỗ trợ hướng dẫn sử dụng máy tính, dạy tin học và sử dụng internet để thiếu nhi và người dân những vùng sâu vùng xa được tiếp cận công nghệ và tri thức trong thời đại số, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi cuộc sống. Ngoài ra, Trung tâm cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất đã sử dụng máy tính cũ để dạy tin học, sử dụng internet, tặng smartphone miễn phí cho người cao tuổi, người khuyết tật tại TPHCM, góp phần giúp nhóm người yếu thế tiếp cận công nghệ và thông tin để không ai bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển rất nhanh của xã hội hiện đại.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer