Những loại lá cây giúp giảm viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là tình trạng da bị đỏ và ngứa ngáy, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Có rất nhiều mẹo để giảm bớt tình trạng viêm da dị ứng, một trong số đó là tắm nước lá cây.
24/12/2021 12:16

 

n1

Ảnh minh họa

Lá tía tô

Tía tô là một loại thảo dược Đông y quen thuộc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như hen suyễn, chống buồn nôn, say nắng hay giảm co thắt cơ. Ngoài ra, đặc tính kháng khuẩn và chống viêm của lá tía tô còn giúp thuyên giảm các tình trạng sưng tấy ở da. Tắm nước lá tía tô sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng sưng đỏ do viêm da dị ứng gây ra một cách hiệu quả.

Cách sử dụng: Nấu sôi 3 lít nước cùng với lá tía tô và một ít muối hột, sau đó pha với nước lạnh khi tắm hoặc để nguội rồi tắm.

Lá khế

Lá khế có tác dụng giảm ngứa và tiêu viêm hiệu quả, rất có lợi cho những người bị viêm da dị ứng. Các chất flavonoid, triterpene và steroid có trong lá khế là những hợp chất chống oxy hóa có tác dụng trong việc chữa lành vết thương và kháng viêm. Ngoài ra, triterpene còn có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vùng da bị tổn thương.

Cách sử dụng: Nấu sôi 2,5 lít nước với 1 nắm lá khế và một thìa muối hạt trong khoảng 7-10 phút. Đổ nước ra thau và thêm một ít muối vào khuấy đều, sau đó thêm nước lạnh vào pha cho ấm và tắm trong khoảng 7-10 phút.

Lá trà xanh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lá trà xanh có nhiều công dụng như giảm viêm, giảm ngứa và có thể giúp thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương trên da. Nguồn vitamin C dồi dào có trong lá trà xanh cũng góp phần tăng tốc độ tái tạo tế bào mới và ngăn ngừa thâm sẹo.

Cách sử dụng: Nấu sôi 2,5 lít nước với lá trà xanh tươi trong vòng 10 phút và pha thêm nước lạnh khi tắm.

Lá trầu không

Trầu không là một loại lá phổ biến trong các bài thuốc Nam. Đặc tính kháng khuẩn và chống viêm của lá trầu không thường được sử dụng để điều trị các bệnh viêm nhiễm ở da. Trong những trường hợp viêm da dị ứng, lá trầu không có thể giúp thuyên giảm tình trạng viêm da lan rộng và hạn chế nguy cơ gây bội nhiễm trên vùng da bị tổn thương.

Cách sử dụng: Vò nát lá trầu không rồi đun sôi chúng với 2 lít nước và pha thêm nước lạnh khi tắm.

Lá bàng

Trong lá bàng có chứa tanin, flavonoid và phytosterol, những hợp chất này có công dụng giảm viêm và giúp vết thương mau lành. Những người bị viêm da dị ứng khi tắm nước lá bàng có thể giúp sát trùng vết thương, tăng tốc độ phục hồi da và đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, nổi mụn nước.

Cách sử dụng: Đun sôi 2,5 lít nước với khoảng 7-10 lá bàng non và 1 muỗng muối trong thời gian 20 phút. Pha thêm nước lạnh trước khi tắm.

(THEO MEDICALNEWSTODAY)

comment Bình luận

largeer