Những nhà giáo dành trọn tâm huyết chăm lo, giảng dạy cho học sinh

Chăm sóc từng bữa cơm, lo áo ấm mùa đông, đồng hành cùng học sinh khiếm khuyết, nỗ lực để các em được học trực tuyến,... là những hành động mang đến niềm hạnh phúc lớn lao cho cả học sinh và giáo viên. Học sinh không chỉ được dung nạp kiến thức và còn được lan tỏa sự ấm áp, yêu thương trong những mái nhà chung mà giáo viên tạo nên.
04/10/2021 15:48

Hai mươi chín năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy A Phiên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học – THCS xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thấu hiểu rõ những khó khăn và vất vả mà các em học sinh nơi đây phải trải qua. Học sinh nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Kinh tế gia đình các em chủ yếu phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh thường đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà nên ít quan tâm đến việc học của con em mình. Mặc dù các em theo học ở điểm trường làng, nhưng quãng đường từ nhà đến trường của một số em khoảng 3-4km. Chính vì vậy, các em thường đi học buổi sáng, đến trưa về nhà, rồi nghỉ học buổi chiều.

Thầy A Phiên chăm chút cho mỗi học trò trong bữa ăn

Thầy A Phiên chăm chút cho mỗi học trò trong bữa ăn

Thương trò đói cái bụng, thầy A Phiên nấu cơm tại nhà cho học sinh ăn để giữ chân trò ở lớp. Ngoài giờ dạy trên trường thầy A Phiên trồng thêm rau, nuôi thêm gà để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Cùng mong muốn giữ chân học sinh, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Tu Mơ Rông tổ chức nấu cơm trưa tại điểm trường. Từ ngày bếp ăn đỏ lửa, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày thầy A Phiên chạy khoảng 7km từ điểm trường cụm Đăk Ka ra trường chính lấy thức ăn. 8 giờ, khi trở về điểm trường thầy sơ chế thức ăn, nấu cơm rồi lo cho học trò ăn uống. Sau đó, thầy A Phiên mới về nhà ăn cơm cùng gia đình.

Cũng gắn bó với nghề 20 năm, thầy Nguyễn Đức Toàn (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, TP Lào Cai, Lào Cai) đã chứng kiến biết bao thế hệ học sinh “đến và đi” dưới mái trường, rồi đỗ đạt, trưởng thành. Và cũng ngần ấy thời gian, thầy chứng kiến cảnh học sinh trong trường bị hỏng xe hay đồ dùng học tập bị hỏng mà các em không tự khắc phục được. Ngay lúc đó, thầy Toàn đã nảy ra ý tưởng mở quán trong trường để sửa giúp học sinh. Nghĩ là làm, sau khi đề xuất và nhận được sự ủng hộ của nhà trường, thầy Toàn mua một số dụng cụ như: Cờ lê, mỏ lết, bơm xe, kìm, kéo, băng dính, keo dán, kim, chỉ... để phục vụ khi “quán nhỏ” đi vào hoạt động.

Thầy Toàn dán đế giày cho học sinh

Thầy Toàn dán đế giày cho học sinh

Nói là “quán nhỏ” nhưng thực chất là một góc của sân trường với một số đồ nghề sửa chữa. Phía trước có treo tấm biển với nội dung: “Thầy Toàn - Sửa xe đạp, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho học sinh miễn phí”. Ngoài thông báo cho học sinh biết, thầy Toàn còn nhắn gửi đến phụ huynh để dặn dò con em mình đến gặp khi cần hỗ trợ. Đó là những lúc thầy rảnh, trò cũng không bận việc học. Bất cứ sự cố nào về phương tiện hay đồ dùng cá nhân của học sinh hư hỏng, thầy giúp cả.

Là giáo viên dạy thể dục nên việc lập “quán nhỏ” sửa chữa đồ cho học sinh trong trường không mất quá nhiều thời gian của thầy Toàn, nó cũng không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Thầy Toàn thường tranh thủ 2 khung giờ để “vận hành quán”, đó là lúc ra chơi và sau mỗi buổi học. Giờ ra chơi thầy tranh thủ 20 phút ngắn ngủi để nhận sửa chữa giúp các em. Nếu sự cố lớn, phức tạp, không sửa kịp, thầy Toàn sẽ hẹn các em sau giờ tan học buổi chiều.

Thấu hiểu, yêu thương và nỗ lực đồng hành cùng những học sinh “đặc biệt”, cô giáo Đoàn Thị Thu Hà giảng dạy tại trường Tiểu học An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp những học sinh có khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ để các em không thiệt thòi và dần trở nên tự tin, hòa đồng cùng các bạn khi tới trường. Tại lớp cô Hà chủ nhiệm, có một học sinh rất đặc biệt tên Gia Khánh, em có một khối u ở phần má chèn vào dây thần kinh khiến cho việc phát âm của em gặp khó khăn, em phát âm không chuẩn và bị ngọng phần âm đầu. Khó khăn hơn nữa, em từ nhỏ đã thiếu thốn sự quan tâm và tình yêu thương của mẹ. Dù đã lên lớp 1 nhưng em chưa thể tự làm việc vệ sinh cá nhân.

Cô giáo Hà tổ chức tiết học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đạt hiệu quả cao

Cô giáo Hà tổ chức tiết học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đạt hiệu quả cao

Thấu hiểu hoàn cảnh của Gia Khánh, cô Hà thường xuyên trao đổi để nắm được tâm tư nguyện vọng của gia đình để kịp thời động viên, giúp đỡ em hòa nhập với các bạn. Cô đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để đưa ra phương pháp học tốt nhất cho Gia Khánh và giúp em không gặp trở ngại khi giao tiếp, học tập cùng các bạn. Để giúp đỡ Gia Khánh hòa nhập, cô giáo Hà từ những giờ buổi đầu tiên đã truyền tải tới các bạn khác trong lớp những thông điệp, câu chuyện về tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từ đó, các bạn trong lớp hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của bạn rồi dần quan tâm, giúp đỡ Gia Khánh chứ không phân biệt hay xa lánh.

Do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và học sinh cũng phải bắt nhịp với hình thức học online. Tuy nhiên, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa nơi đây còn khó khăn trong việc kết nối đường truyền Internet. Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả và độ an toàn trong việc học, quản lý con trẻ khi sử dụng thiết bị thông minh...

lophocthaysinh

Để đảm bảo cho học sinh “dừng đến trường nhưng không dừng học”, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Vật lý, Trường THPT Cư M’Gar đã vay mượn tiền, đầu tư một phòng học ảo qua ứng dụng K12online ngay tại nhà để kết nối đến tất cả học sinh mà thầy được phân công giảng dạy trong năm học 2021 - 2022. Phòng dạy học online của thầy Sinh được đặt ngay tại phòng khách của gia đình - có tổng kinh phí đầu tư hơn 20 triệu đồng, gồm bảng viết chống lóa, laptop, điện thoại để quay mặt bảng viết, micro không dây, hệ thống đèn chiếu sáng… và các bài giảng, bài tập chuẩn bị sẵn.

Với phòng dạy học này sẽ giúp giáo viên có nhiều cách chuyển tải kiến thức đến học sinh: Trình chiếu slide, dùng camera kết hợp với bảng viết, đăng tải các clip bài giảng có sẵn. Đặc biệt, việc tương tác giữa giáo viên – học sinh diễn ra gần giống trên lớp học.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer