Những nhóm người tuyệt đối không được ăn tiết canh

Tiết canh là món ăn dân dã, quen thuộc với người Việt Nam được chế biến từ tiết động vật như lợn, dê, vịt... Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn món ăn này bởi những tiềm ẩn về sức khỏe đặc biệt nguy hiểm.
30/11/2020 16:35

Nhiễm khuẩn vì ăn tiết canh

Tiết canh là món ăn phổ biến có từ xa xưa của người dân Việt Nam. Món ăn này được chế biến từ tiết  (máu) động vật, thông thường như lợn, dê, vịt, chó... thậm chí có cả tiết canh cá với các nguyên liệu rau, thịt, nội tạng tùy vào loại động vật cụ thể.

Tuy nhiên, trong món ăn này tiềm ẩn vô số nguy cơ gây bệnh và không dành cho một số nhóm người nhất định. 

tiet canh

Nguy cơ nhiễm khuẩn do ăn tiết canh. Hình minh họa

Trước tiên, ăn tiết canh có thể nhiễm tụ cầu khuẩn. Khi bị giết, máu động vật rất dễ nhiễm tụ cầu khuẩn. Khi đó, máu dùng để đánh tiết canh sẽ bị nhiễm khuẩn, chỉ 4 đến 5 tiếng sau khi bị nhiễm, tụ cầu khuẩn này đã sản sinh ra loại độc tố ruột. Khi chúng thấm vào trong niêm mạc dạ dày, ruột và máu, tụ cầu khuẩn sẽ tác động lên thần kinh thực vật, làm cường hệ thần kinh phó giao cảm khiến tăng bóp dạ dày, ruột và dẫn đến các triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy... Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nhiều dẫn tới mất nước, trụy tim mạch.

Nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh cũng là trường hợp nhiễm khuẩn phổ biến. Trên thực tế đã có rất nhiều người tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn từ món ăn này. Bệnh liên cầu lợn hay gặp nhất là thể nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau (xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa). Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn), biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Thực tế, tại một thống kê năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, năm 2017 có khoảng 20 ca vào viện với chẩn đoán liên cầu lợn.

Điều tra của Cục Y tế dự phòng cho thấy, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. 

Ngoài ra, ăn tiết canh cũng làm tăng nguy cơ các bệnh cúm gia cầm, bệnh dại do các loại virus tồn tại trong máu động vật, người ăn tiết sẽ ăn luôn mầm bệnh từ động vật vào người và sinh bệnh.

nhiem khuan

Nhiễm khuẩn do ăn tiết canh. Hình minh họa

Những ai không nên ăn tiết canh?

Với các nguy cơ nhiễm khuẩn từ tiết canh, những nhóm người dưới đây cũng không được khuyến khích ăn tiết canh.

Người có hệ tiêu hóa kém: Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lị, thương hàn.

Người béo phì hoặc mắc các bệnh tim mạch: Thông thường tiết canh thường chế biến từ máu và nội tạng động vật. Trong nội tạng lại có nhiều chất đạm nhưng nó cũng chứa nhiều chất béo. Đối với những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholestetol máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gout, thừa cân, béo phì… không nên ăn tiết canh.

Bà bầu không được ăn tiết canh bởi vì khi mang thai, hệ miễn dịch của họ yếu, nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, kí sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người khi ăn tiết canh rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. 

Ánh Dương (tổng hợp)

 

 

comment Bình luận

largeer