Những yếu tố giúp con người già mà không yếu

Theo một nghiên cứu mới công bố bởi Đại học De Montfort (Anh), tập thể dục nhiều hơn, ăn uống lành mạnh và tránh xa thuốc lá giúp con người giảm được nguy cơ trở nên suy yếu khi về già. Điều này chứng tỏ người có lối sống tốt có cơ hội sống khỏe và chậm già hóa.
01/02/2023 17:53

Kết luận trên được các chuyên gia đưa ra sau khi phân tích dữ liệu từ gần 9.000 tình nguyện viên trên 50 tuổi trong hơn một thập niên. Cụ thể, kết quả đăng trên tạp chí ý khoa Plos One cho thấy những người tham gia có lối sống tĩnh tại có gấp đôi khả năng bị suy yếu sức khỏe ở tuổi già. Nhóm có thu nhập ít nhất và nhóm có ngưỡng chịu đau thấp nhất đối mặt với nguy cơ bị suy yếu cao hơn lần lượt là 80% và 39%. Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ suy yếu khi về già bao gồm béo phì, đang hoặc từng hút thuốc, số đo vòng eo so với vòng hông cách biệt lớn, cô đơn... 

Để dễ hình dung hơn, các nhà nghiên cứu đã tính toán các yếu tố nguy cơ và kết luận: một người 67 tuổi có thói quen hút thuốc và ít vận động có 59% khả năng bị suy yếu sức khỏe khi bước sang tuổi 79, trong khi tỷ lệ này ở người cùng tuổi nhưng không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục chỉ có 22%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cho biết chúng ta vẫn có cách làm giảm tốc độ suy yếu khi về già. Đơn cử, chủ động ngăn ngừa béo phì thông qua tập thể dục và ăn uống lành mạnh hơn hoặc từ bỏ ngay thuốc lá để giảm nguy cơ mắc các bệnh ở phổi và tim. Vận động thể chất điều độ cũng giúp cải thiện khối lượng xương và chức năng cơ – yếu tố giúp phòng ngừa té ngã vốn là nguyên nhân chính của tình trạng suy yếu ở người cao tuổi. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nils Niederstrasser nhận xét: “Bằng cách trở nên năng động hơn, bỏ hút thuốc và giảm cân, một người có thể giảm đáng kể nguy cơ trở nên suy yếu khi về già”.

Một nghiên cứu khác cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe ở người già, nhóm chuyên gia tại Bệnh viện Ngăn ngừa Alzheimer và Trung tâm Y tế Weill Cornell (Mỹ) khẳng định những can thiệp trong lối sống hằng ngày không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm nhận thức ở những người có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), mà còn làm tăng trí nhớ và kỹ năng tư duy của họ trong vòng 18 tháng.

Đầu tiên, các bệnh nhân tại Bệnh viện Ngăn ngừa Alzheimer được kiểm tra về thể chất, tinh thần và chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ để phát hiện sớm dấu hiệu của mảng bám amyloid - một yếu tố gây bệnh Alzheimer. Bệnh sử gia đình, yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, thói quen tập thể dục, ngủ và mức độ căng thẳng thần kinh của họ cũng được ghi nhận lại. Qua đó, có 154 bệnh nhân từ 25 đến 86 tuổi được phát hiện đến từ gia đình có người mắc Alzheimer. Tuy đa số chưa bị giảm trí nhớ song kết quả kiểm tra nhận thức của họ lại đáng lo ngại, với 35 người bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).

Dựa trên các kết quả, từng người được “kê đơn” chế độ sinh hoạt riêng, gồm trung bình 21 thói quen sống cần thay đổi. Ví dụ, ở hoạt động thể chất, có người được khuyến nghị tập aerobic, nhưng người khác lại tập với bóng hoặc tập tạ. Chương trình cũng theo dõi việc tiêu thụ rượu bia, chế phẩm từ sữa, khoáng chất và vitamin, thói quen đi ngủ, học hỏi điều mới, nghe nhạc, thiền… của các đối tượng nghiên cứu.

Kết quả cuối cùng cho thấy nhóm bệnh nhân MCI tuân thủ 60% số hành vi được khuyến nghị thay đổi - tức từ 12 hành vi trở lên - đã cải thiện kỹ năng ghi nhớ và khả năng tư duy sau 18 tháng. Trái lại, những bệnh nhân MCI thực hiện ít hơn 60% không có sự cải thiện về chức năng não bộ. Năng lực trí não của họ vẫn tiếp tục suy giảm.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Richard Isaacson, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng điều chỉnh thói quen sống cá nhân có thể cải thiện chức năng nhận thức và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer”. Theo ông, nghiên cứu này hứa hẹn mở ra hướng đi mới để các bác sĩ có phương án điều trị tốt hơn cho những người có nguy cơ cao bị Alzheimer.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer