Nhược cơ là bệnh gì? Có điều trị được không?

Nhược cơ là căn bệnh liên quan đến thần kinh cơ, làm yếu, liệt các cơ bên trong cơ thể như cơ vùng đầu, cơ tay chân,… Vậy bệnh này có đặc điểm như thế nào? Có nguy hiểm hay không?
21/01/2021 14:20

Nhược cơ là bệnh gì?

Nhược cơ (Myasthenia gravis) là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính đặc trưng với tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với nhiều mức độ khác nhau. Nhóm cơ thường bị ảnh hưởng là các cơ vân, hoạt động theo ý muốn trong cơ thể như cơ mặt, cơ nhai, cơ vận nhãn, các cơ tứ chi, cơ hô hấp, đe dọa tính mạng vì suy hô hấp.

20191028_135058_331754_nhuoc-co-1400x875.max-800x800

Hình minh họa

Nhược cơ được xếp vào bệnh tự miễn, do sự tồn tại các tự kháng thể chống lại thụ thể acetylcholin trên màng tế bào cơ tại các vùng tiếp nối thần kinh cơ hậu synap. Điều này dẫn đến các tín hiệu do dây thần kinh dẫn truyền tới không được tế bào cơ tiếp nhận. Tình trạng suy giảm sức cơ là một quá trình mãn tính, tiến triển, và nặng dần lên về cuối ngày. Bệnh nhược cơ còn được ghi nhận có liên quan đến các bệnh lý tuyến ức trong 75% bệnh nhân, trong đó u tuyến ức gặp trong 15% các trường hợp. Một số bệnh tự miễn khác như viêm đa cơ, viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp gặp trong 10% tổng số trường hợp.

Bệnh nhược cơ không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới, thường gặp ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 0,5/100.000 người.

Trên lâm sàng, nhược cơ được phân loại thành các nhóm sau:

  • Nhóm 1: nhược cơ chỉ xảy ra ở các cơ vận nhãn như cơ nâng mi. Các triệu chứng thường giảm đi nhanh nhớ đáp ứng tốt với điều trị.
  • Nhóm 2a: nhược cơ xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể như các cơ ở chi, cơ thân mình, cơ hô hấp nhưng ở mức độ nhẹ.
  • Nhóm 2b: nhược cơ xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể với mức độ vừa, biểu hiện sụp mi, nói ngọng, yếu các chi không vận động được, nuốt hay bị sặc nghẹn.  
  • Nhóm 3: nhược cơ xảy ra nhanh, đột ngột. Các cơ toàn thân yếu đi nhanh chóng đến mức nghiêm trọng nhất trong vòng 6 tháng. Liệt các cơ hô hấp xuất hiện sớm hơn, song song với yếu liệt cơ ở những vị trí khác như cơ vận nhãn, cơ thân mình, cơ tứ chi. Bệnh nhân thuộc nhóm này đáp ứng rất kém với điều trị nội khoa vì vậy có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong cao.
  • Nhóm 4: nhược cơ mức độ nặng nhưng diễn tiến mãn tính, từ từ, kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân thuộc nhóm này thường có mối liên quan đến bệnh lý u tuyến ức.

Bệnh nhược cơ diễn tiến qua các giai đoạn cơ bản sau:

  • Giai đoạn 1: Chỉ một nhóm cơ bị ảnh hưởng, thường gặp đầu tiên là các cơ vận nhãn.
  • Giai đoạn 2a: các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ cơ hô hấp và vùng hầu họng.
  • Giai đoạn 2b: các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, kèm theo cả nhóm cơ vùng hầu họng nhưng không có các cơ hô hấp.
  • Giai đoạn 3: tất cả các cơ đều bị ảnh hưởng, bảo gồm các biểu hiện rối loạn hầu họng và hô hấp.

Nguyên nhân gây ra bệnh nhược cơ

20200223_154514_163613_350--nen-di-kham-ch.max-1800x1800

Hình minh họa

Để hiểu rõ hơn nhược cơ là bệnh gì, cần nắm được các nguyên nhân gây bệnh. Bệnh học nhược cơ đặc trưng với tính trạng giảm hoặc mất sự liên tục trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh đến các cơ tương ứng, gây nên triệu chứng yếu và liệt cơ trên lâm sàng. Các giả thuyết được đặt ra bao gồm:

  • Sự xuất hiện các tự kháng thể phá hủy các thụ cảm của acetylcholin trên màng tế bào cơ ở màng sau synap. Vì thế xung động thần kinh dẫn truyền đến không được tế bào cơ tiếp nhận.
  • Sự tồn tại các tự kháng thể kháng lại enzyme kinase: điều này cản trở sự hình thành và biệt hóa các thụ thể của acetylcholin.
  • Các bệnh lý tuyến ức như u tuyến ức, tăng sản tuyến ức làm tăng sản xuất các tự kháng thể trong cơ thể tấn công các thụ thể của acetylcholin.

Triệu chứng của bệnh nhược cơ

sinh_ly_benh_nhuoc_co

Hình minh họa

Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý nhược cơ là yếu, liệt các cơ trong cơ thể, biểu hiện như sau:

  • Yếu cơ vùng đầu mặt cổ: sụp mi, nhìn đôi,nhìn mờ, liệt mặt, nuốt khó, nhai khó, đùn nước bọt, thay đổi giọng nói, đầu thường rũ xuống, nét mặt thường buồn rầu, mệt mỏi.
  • Yếu cơ tay chân, trong những cơn nhược cơ bệnh nhân thậm chí không nhấc được tay lên.
  • Yếu các cơ hô hấp: khó thở, suy hô hấp cấp.

Các triệu chứng yếu cơ thường xuất hiện vào cuối ngày, hoặc sau khi vận động nhiều và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng, và có các biểu hiện rối loạn khác nhau. Phản xạ thần kinh và cảm giác của người bệnh thường không bị tổn thương.

Bệnh nhược cơ có điều trị được không?

Trong điều trị bệnh nhược cơ, các bác sĩ thường kết hợp các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm giảm nhẹ các triệu chứng và ức chế sự tiến triển của bệnh chứ không thể chữa khỏi tận gốc bệnh.

Hiện nay, việc điều trị bệnh nhược cơ đã có những bước tiến đáng kể. Người bệnh có thể có một cuộc sống gần như người khỏe mạnh bình thường với tuổi thọ không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân nhược cơ sẽ phải lệ thuộc vào các loại thuốc trị bệnh trong nhiều năm hoặc suốt đời và các loại thuốc trị bệnh có thể tồn tại một số tác dụng phụ nguy hiểm.

Những phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh nhược cơ gồm:

  • Acetylcholinesterase: Có tác dụng trong điều trị ban đầu đối với bệnh nhân nhược cơ nhẹ, mới được chẩn đoán mắc nhược cơ;
  • Thuốc chế miễn dịch: Gồm corticoid hoặc nhóm thuốc không chứa steroid, dùng để ức chế hoạt động tự miễn dịch ở khe synap thần kinh - cơ. Tuy nhiên, corticoid nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm;
  • Phẫu thuật tuyến ức: Có tới 85% bệnh nhân nhược cơ gặp các vấn đề bất thường về tuyến ức nên phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức là một phương pháp điều trị bệnh đang được áp dụng rộng rãi. Phương pháp này cho kết quả tương đối khả quan nhưng gặp khó khăn khi điều trị hậu phẫu. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nhược cơ tiếp tục được điều trị bằng prednisolon với liều lượng trung bình;
  • Chương trình đào tạo Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật tim mạch
  • Bệnh nhân có thể cắt bỏ tuyến ức để điều trị nhược cơ
  • Lọc huyết tương: Lọc bỏ các kháng thể kháng thụ thể và các thành phần bổ thể trong huyết tương của người bệnh nhược cơ, giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nhược cơ;
  • Phương pháp khác: Bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị ngắn hạn như truyền immunoglobulin miễn dịch hoặc thay huyết tương cho bệnh nhân diễn tiến xấu, bệnh nhân trước phẫu thuật tuyến ức. 2 phương pháp này cho kết quả tốt nhưng không có tác dụng lâu dài.

Ngoài ra, bệnh nhân nhược cơ cần bổ sung thêm vitamin, canxi, kali và dùng thuốc bảo vệ dạ dày để hạn chế tác dụng phụ của corticoid.

Khi tuân thủ việc điều trị bệnh nhược cơ đúng phác đồ trị liệu bằng thuốc, có thể thấy hiệu quả ban đầu sau 2 - 4 tuần điều trị và hiệu quả tối ưu sau 6 - 12 tháng. Với trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức, bệnh nhược cơ sẽ được cải thiện sau phẫu thuật 12 - 18 tháng.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh nhược cơ?

Bệnh nhược cơ đến nay được xem là một bệnh lý tự miễn, tùy thuộc vào cơ địa từng người. Vì vậy không có biện pháp nào có hiệu quả giúp phòng tránh được bệnh.

Các biện pháp giúp duy trì một sức khỏe tốt cần được áp dụng, bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Đu đủ và chuối là hai loại quả giúp bổ sung kali, cần cho hoạt động của cơ.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
  • Xây dựng một lối sống lành mạnh
  • Đến gặp bác sĩ ngay khi có các biểu hiện bất thường.

Đối với những người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh nhược cơ ghi nhớ các biện pháp sau:

  • Bổ sung kali, có thể bằng cách ăn chuối, đu đủ vì thiếu kali làm cho tình trạng yếu liệt cơ nặng nề hơn.
  • Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh nhược cơ với các thuốc làm suy giảm miễn dịch.
  • Không được tự ý ngưng sử dụng thuốc, hay dùng thêm các loại thuốc khác không có trong sự chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo âu.
  • Khi có các cơn nhược cơ tiến triển, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý.

Những lưu ý đối với bệnh nhân nhược cơ

  • Bệnh nhân nhược cơ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và lao động phù hợp. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là thực phẩm giàu kali như đu đủ và chuối vì chúng tốt cho hoạt động của cơ. Đồng thời, cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao;
  • Khi có triệu chứng cảnh báo nhược cơ nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, chỉ định điều trị và tư vấn chính xác;
  • Các loại thuốc điều trị bệnh nhược cơ đều có tác dụng phụ nên khi dùng thuốc kéo dài cần chú ý hạn chế các tác dụng phụ của thuốc;
  • Tránh gắng sức, căng thẳng tâm lý, tránh bị nhiễm trùng, giữ tinh thần thoải mái;
  • Tránh sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng trực tiếp tới dẫn truyền thần kinh - cơ như kháng sinh nhóm aminoglycosid, ketolide;
  • Lưu ý tới việc sử dụng quá liều thuốc kháng cholinesterase như neostigmine hoặc Pyridostigmine có thể khiến bệnh yếu cơ thêm trầm trọng hoặc gây ra các rối loạn cholinergic với biểu hiện tăng tiết nước bọt, mồ hôi, nước mắt hoặc gây nôn ói;
  • Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc dùng thêm các loại thuốc khác khi không được bác sĩ chỉ định.

Tuy việc điều trị bệnh nhược cơ tương đối phức tạp và đòi hỏi phải kiên trì nhưng nhờ có sự tiến bộ của y học, bệnh nhân có thể có một cuộc sống gần như người bình thường. Vì vậy, bệnh nhân nhược cơ nên giữ tư tưởng thoải mái, vận động vừa phải và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh

Thu Hà (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer