Ninh Bình khẩn trương kiểm soát, khống chế, ngăn chặn các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan, kéo dài

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo khẩn trương kiểm soát, khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, kéo dài.
23/10/2023 12:49

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh tái phát và lây lan mạnh từ trung tuần tháng 4/2023. Sau thời gian tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh, đến cuối tháng 8 và trung tuần tháng 9/2023, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát (toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 xã/2 huyện Nho Quan và Gia Viễn có ổ dịch chưa qua 21 ngày). Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, dịch bệnh có xu hướng tái bùng phát, lây lan nhanh trở lại, tính đến ngày 19/10/2023, toàn tỉnh có 23 xã/6 huyện, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày là: Nho Quan (7 xã), Gia Viễn (8 xã), TP. Tam Điệp (2 xã), Yên Mô (4 xã), Kim Sơn (1 xã) và Yên Khánh (1 xã).

So sánh với cùng kỳ năm 2022, từ thời điểm tháng 9/2022, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được kiểm soát hoàn toàn, nhưng ở thời điểm tháng 9/2023, dịch bệnh lại có diễn biến phức tạp, điều này cho thấy dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra không có quy luật dịch tễ rõ ràng, mầm bệnh luôn tồn tại trong môi trường và có sức đề kháng rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi.

Ảnh minh họa: Ninhbinh.gov

Ảnh minh họa: Ninhbinh.gov

Để khẩn trương kiểm soát, khống chế, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, lây lan, kéo dài, tạo điều kiện, môi trường ổn định để duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm thịt lợn cho nhu cầu những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:

Chỉ đạo các các đơn vị chuyên môn cấp huyện và Chủ tịch UBND các xã tập trung quyết liệt, xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh để cắt đứt nguồn lây bệnh, hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tiếp tục phân công cán bộ, phụ trách địa bàn tăng cường bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm để tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh. Phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện, xã; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở nếu để xảy ra tình trạng dịch bệnh phát sinh, lây lan do chủ quan, lơ là; dịch bệnh dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng chung đến sản xuất của địa phương.

Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn, nhất là tại địa bàn các xã đang có ổ DTLCP chưa qua 21 ngày, các địa phương mới công bố hết dịch nhưng vẫn còn nguy cơ cao. Kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi Ninh Bình. Thu gom, buôn bán thực phẩm, tổ chức kiểm tra đột xuất việc tuân thủ cam kết thực hiện giết mổ, sơ chế, chế biến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, kiên quyết cho dừng hoạt động đối với cơ sở vi phạm làm lây lan dịch bệnh.

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và thực hiện kê khai chăn nuôi với chính quyền cơ sở theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TTBNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Yêu cầu UBND xã có trách nhiệm tiếp nhận khai báo và kiểm tra, quản lý chặt chẽ số lượng tổng đàn lợn biến động trên địa bàn, làm căn cứ điều tra nguyên nhân và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu xảy ra dịch bệnh.

Tiếp tục chủ động bố trí ngân sách địa phương để mua vôi bột, hóa chất phát động, triển khai thực hiện đồng bộ công tác tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi, khu vực ổ dịch, vùng dịch, vùng dịch uy hiếp theo tần suất quy định để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông trên địa bàn các xã. Giao đơn vị đầu mối thực hiện báo cáo dịch bệnh hàng ngày và tiến độ tiêm phòng hàng tuần về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động giám sát, chẩn đoán phát hiện sớm để kịp thời tổ chức khoanh vùng, xử lý, khống chế dịch bệnh; tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh để xử lý, chỉ đạo kịp thời.

Trần Huyền

comment Bình luận

largeer