Nới lỏng giãn cách, người dân TP.HCM tranh thủ khám bệnh vào cuối tuần

Trong 7 đợt giãn cách xã hội kéo dài 120 ngày, nhiều người tại TP.HCM sợ lây nhiễm COVID-19 nên chưa đi khám bệnh. Vì vậy, từ hôm qua đến nay, sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, nhiều bệnh nhân đã tranh thủ đến các bệnh viện xếp hàng chờ khám bệnh.
02/10/2021 15:29

Từ sáng sớm nay, bệnh nhân Nguyễn Đình Huấn, 58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức đã đến làm các thủ tục tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh để khám bệnh mãn tính. Nhiều ngày qua, lo ngại dịch bệnh và hạn chế đi lại nên ông chưa đi tái khám trở lại. Hôm nay là ngày thứ Bảy vắng người nên ông Huấn tranh thủ đi khám.

 "Nhu cầu của người dân đi khám thì có khi đột biến, lúc nhiều lúc ít, đông nhất là thứ 2, có khi đông xếp hàng ra tận ngoài đường, cho nên dù lịch định kỳ là thứ 2 nhưng tôi chọn thứ 7 sẽ vắng hơn"- ông Huân cho hay. 

62

Ảnh minh họa

Theo Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP nới lỏng bước đầu, nhiều người đến khám bệnh hơn vì đi lại dễ dàng hơn. Từ hôm qua đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng từ 10-12% so với những ngày dịch bệnh. Bệnh viện vẫn duy trì công tác kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt: "Tất cả những người bệnh đến khám ở ngay phòng sàng lọc của khoa Cấp cứu ở cổng bệnh viện là phải được test nhanh. Nếu âm tính thì đối với người nội trú thì phải nằm ở phòng cách ly tạm thời của một khoa, để chờ xét nghiệm khẳng định PCR, nhằm tránh lây nhiễm chéo, cho an toàn nhất cho nhân viên y tế, những người bệnh nền, bệnh mãn tính".

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.500 bệnh nhân tới khám. Hôm qua, bệnh viện có 1.900 người đến khám, tăng thêm khoảng 400 bệnh nhân so với trung bình của những ngày giãn cách. Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, trong ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội có khoảng 200 bệnh nhân tới khám bệnh theo yêu cầu, tăng 80 người so với những ngày trước đó.

Theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, từ ngày 1/10, TP cho phép ba nhóm cơ sở y tế được hoạt động. Cụ thể, nhóm một là bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa công lập, ngoài công lập, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang; các loại hình phòng khám chuyên khoa (bao gồm cả phòng xét nghiệm, phòng chẩn đoán hình ảnh, phòng X-quang, phòng chẩn trị y học cổ truyền); phòng khám y học gia đình, nhà hộ sinh. Nhóm 2 là các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập thực hiện dịch vụ tiêm, thay băng, đếm mạch, đo huyết áp, đo nhiệt độ, chăm sóc sức khỏe tại nhà, cấp cứu, hỗ trợ, vận chuyển bệnh nhân trong và ngoài nước, kính thuốc, làm răng giả. Nhóm 3 là các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập.

Theo VOV

comment Bình luận

largeer