Ô nhiễm không khí đang diễn ra ngay trong nhà bạn, chỉ ở nhà vẫn có nguy cơ mắc bệnh hô hấp

Chúng ta đang tập trung nhiều vào tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời mà không hề biết rằng ô nhiễm không khí trong nhà cũng đang là nguyên nhân chính gây ra các bệnh đường hô hấp.
03/11/2020 14:36

Các hoạt động thường ngày nhưng lại là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà

Nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ngoài trời rất dễ nhận thấy khi hầu hết là đến từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, nhà máy sản xuất,... Thế nhưng ô nhiễm không khí trong nhà cũng đang diễn ra mỗi ngày, gây nguy hiểm cho sức khỏe không hề kém cạnh gì ngoài trời nhưng lại chưa có được sự quan tâm đúng đắn từ chúng ta.

Những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trong nhà phải kể đến đó là: nấu ăn bằng các nguyên liệu dầu hỏa, khí gas, nấu các món ăn chiên, nướng, hút thuốc lá, bụi bẩn từ hoạt động hút bụi, dọn vệ sinh nhà ở, hạt bụi từ nguyên liệu tạo nên các vật dụng trong nhà, nấm mốc,... Các hoạt động này đều đang thải ra những hạt bụi và khí thải độc hại, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 - loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở.

Theo Nicola Carslaw, giáo sư hóa học không khí trong nhà tại Đại học York đã chỉ ra rằng: "Nấu ăn và dọn dẹp là hai trong số những nguồn chính gây ô nhiễm trong nhà. Khi bạn nấu ăn, bạn tạo ra nitơ oxit và các hạt, đây là những chất gây ô nhiễm giống như ngoài trời".

Ô nhiễm không khí đang diễn ra ngay trong nhà bạn, chỉ ở nhà vẫn có nguy cơ mắc bệnh hô hấp - Ảnh 1.

 

Theo BBC đưa tin, một nghiên cứu đã cho thấy rằng mỗi khi làm món trứng rán là bạn đang tạo ra bụi mịn PM2.5 - một món ăn quen thuộc được ưa thích của nhiều gia đình Việt. Cho dù bạn đang sử dụng các loại bếp hiện đại như bếp điện thì hoạt động nấu ăn vẫn tạo ra bụi và khí thải độc hại.

Ngoài ra, các hạt bụi siêu mịn từ môi trường bên ngoài cũng dễ dàng len lỏi vào nhà bạn thông qua khe cửa. Vì chúng có thể dễ dàng đi xuyên qua vách ngăn của tim, phổi để vào máu nên điều này không có gì là khó.

Đáng chú ý, các hợp chất hữu cơ bay hơi, hay còn gọi là VOC (Volatile organic compounds) cũng góp phần lớn trong việc gây ô nhiễm không khí trong nhà, được xuất hiện rất nhiều trong các vật dụng như keo dán đồ nội thất, sơn phủ, vật liệu xây dựng, thậm chí là được thải ra từ các hóa chất tẩy rửa gia dụng.

Một báo cáo năm ngoái của các chuyên gia về ô nhiễm không khí trong nhà Airtopia cho thấy gần một nửa số ngôi nhà ở Anh có chỉ số ô nhiễm không khí trong nhà cao. Dữ liệu từ 47 ngôi nhà ở Birmingham, London và các Quận ở Anh cho thấy 1/5 số ngôi nhà có hàm lượng formaldehyde (chất VOC dạng khí có mùi hăng, gây nguy hiểm cho sức khỏe khi ở nồng độ cao) vượt ngưỡng an toàn. Có 45% ngôi nhà có mức VOCs tăng lên đáng kể, trong đó 28% chủ hộ ở những ngôi nhà có chỉ số VOCs cao cho biết gặp nhiều khó khăn về hô hấp.

Cũng theo BBC, một nghiên cứu học thuật gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Bồ Đào Nha đã đánh giá chất lượng không khí trong những ngôi nhà có trẻ sơ sinh và mẹ của chúng đang sống. Họ phát hiện ra rằng ba phần tư số ngôi nhà có mức PM2.5 vượt quá giới hạn mà WHO khuyến nghị trong khi 41% số ngôi nhà vượt quá giới hạn khuyến nghị đối với các chất ô nhiễm PM10 lớn hơn.

Về hậu quả của ô nhiễm không khí trong nhà, thống kê của WHO đã chỉ ra rằng đây là nguyên nhân gây tử vong cho gần 4 triệu người mỗi năm trên thế giới. Trong đó, 27% do viêm phổi, 18% do đột quỵ, 27% do thiếu máu cơ tim, 20% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và 8% do ung thư phổi. Vì thế, không thể xem thường tác động của ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe của bạn.

Theo Trí thức trẻ

comment Bình luận

largeer