Pháp lo ngại nguy cơ lây lan rộng của biến thể virus mới tại Anh trong những ngày tới

Ngày 12-1, Pháp ghi nhận gần 20 nghìn ca nhiễm mới và 362 ca tử vong trong bệnh viện. Số ca bệnh nặng tăng liên tục trong mấy ngày gần đây. Trong đó, Pháp đã phát hiện ít nhất 28 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-Cov-2 tại Anh và lo ngại nguy cơ lây lan rộng trong những ngày tới do khó truy vết.
13/01/2021 10:48

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, số ca nhiễm biến thể mới chiếm khoảng 1% trong tổng số ca xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19. Ngay từ ngày 20-12-2020, Chính phủ Pháp đã đóng cửa biên giới với Anh, đồng thời huy động hệ thống y tế truy vết của biến thể mới để có biện pháp ngăn ngừa, phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

Hiện Pháp đã phát hiện một số ổ dịch ở ngoại ô Paris và các khu vực khác nhau ở cả ba miền bắc trung nam. Trong 28 ca nhiễm biến thể mới được xác nhận, có một số trường hợp từng có thời gian ở Anh, rồi đến Pháp trong dịp lễ năm mới.

covid_phap-1610493201767

Những khu vực có ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-Cov-2 tại Anh. (Nguồn: BFMTV)

Việc truy vết những ca nhiễm biến thế mới rất khó khăn vì có người không biết bị lây từ ai, ở đâu và khi nào. Chưa có cơ sở khẳng định biến thể này nguy hiểm hơn, nhưng các chuyên gia y tế Pháp cho rằng mức độ lây lan nhanh hơn là rất nguy hiểm. Vì nhiều người nhiễm hơn sẽ dẫn tới nguy cơ khó kiểm soát, tăng tỷ lệ bị ốm đến mức phải nhập viện và cả thiệt hại kinh tế do các biện pháp hạn chế kéo dài. Trong khi đó, tiêm ngừa vaccine chưa thể phát huy tác dụng sau vài tuần.

Nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet thuộc Hội đồng Khoa học của Chính phủ Pháp và các chuyên gia y tế khác cho rằng cần phải hết sức cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày tới. Các biện pháp chống dịch cần được điều chỉnh nhằm tránh nguy cơ "chậm chân" vì sự xuất hiện của biến thể mới không liên quan nhiều đến làn sóng thứ hai và ba của đại dịch. Ông Arnaud Fontanet nhận định: Đó gần như là một trận dịch mới trong đại dịch.

Các biện pháp hạn chế trong đó có lệnh giới nghiêm liên tục được tăng cường, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn ở mức rất cao, từ 15-20 nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Trước tình hình như vậy, Chính phủ Pháp đang xem xét việc đóng cửa những cơ sở đông người trong không gian kín, trong đó có căng-tin ở trường học, vì có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Chính quyền tại một số địa phương cùng với đại diện của các đảng phái đề nghị chính phủ sớm đưa ra biện pháp nghiêm ngặt hơn, như phong tỏa cục bộ hoặc toàn quốc. Một số kịch bản đã được khuyến nghị gồm: áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 18 giờ hoặc phong tỏa tại những khu vực có tỷ lệ lây lan mạnh.

Ngày 11-1, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho rằng biện pháp giới nghiêm là đủ để ứng phó tình hình hiện nay, nhưng không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ ba.

Về chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết tổng số người sẽ được tiêm chủng có thể ở mức 400 nghìn vào cuối tuần này. Pháp đã ghi nhận một trường hợp được tiêm chủng có phản ứng với vaccine Pfizer-BioNTech. Dù vậy, ông Olivier Véran cho rằng tỷ lệ phản ứng với vaccine tại Pháp là rất thấp, nằm trong dự tính như ở các nước khác với một trường hợp/100 nghìn người được tiêm phòng. Cho tới nay, nhiều người Pháp vẫn có tâm lý e ngại tiêm chủng.      

Ngày 12-1, Pháp ghi nhận gần 20 nghìn ca nhiễm mới và 362 ca tử vong trong bệnh viện. Số ca bệnh nặng tăng liên tục trong mấy ngày gần đây.

Tại châu Âu, Anh là nước đạt tốc độ tiêm chủng nhanh nhất với 4,19% dân số đã được tiêm phòng. Còn Đan Manh là nước hiện đứng đầu khu vực EU, với 2% dân số. Tiếp đến là Italy với 1,2%. Tây Ban Nha, Đức và Thụy Điển có tỷ lệ gần 0,9%, còn Pháp mới chỉ có gần 0,3%.

Theo Nhân Dân

comment Bình luận

largeer