Phật giáo với vấn đề sức khỏe con người và cộng đồng

Từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Đạo Phật được xem là một Tôn giáo nhập thể, luôn tích cực dấn thân vì lợi ích cho từng cá nhân cũng như cho lợi ích của toàn xã hội.
31/12/2021 16:22
c1

Cách nay hơn 2500 năm, vì chán ghét cảnh xa hoa phù phiếm của trần thế với những ham mê dục lạc thấp hèn, thái tử Tất Đạt đã từ giã cung vàng điện ngọc, đi xuất gia tìm đường giải thoát. Trải qua 6 năm khổ hạnh ép xác dưới rừng già với muôn vàn khó khăn hiểm trở, Thái tử trực nhận ra rằng: con đường giải thoát đích thực chính là con đường Trung đạo, con đường tránh xa hai cực đoan: dong duổi theo dục lạc và khổ hạnh ép xác. Kinh Chuyển Pháp Luân dậy rằng: “1. Sự dong duổi theo dục lạc – là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích. 2. Lối tu ép xác khổ hạnh – là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích”. Từ sự xa lánh hai cực đoan trên, đức Phật khuyên các đệ tử của mình: “Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ “Trung Đạo”, là con đường đem lại nhãn quan tri kiến, trí tuệ cao siêu, giác ngộ giải thoát và an vui Niết Bàn”. Như vậy, con đường đưa đến giải thoát an vui tối hậu của Phật giáo chính là con đường Trung đạo, nói cách khác, đó chính là con đường cân bằng giữa thể xác (sức khoẻ) và tinh thần (trí tuệ).

Trong các kinh điển để lại, Đức Phật Thích Ca chính là Bồ Tát Hộ Minh giáng sinh từ cung trời Đâu Suất, thị hiện xuống cuộc đời, làm thân người, trải qua tất cả những dục lạc trần gian, rồi ép xác khổ hạnh suốt 6 năm trường nhưng không tìm ra chân lý. Ý nghĩa của những sự kiện trên là gì? nếu không phải là điều đức Phật muốn nhắn nhủ với chúng ta: Con người có đủ khả năng tìm kiếm giải thoát tối hậu, hay giữa cuộc đời này, chứ không phải đặc thù của riêng ai và cũng không đắm nhiễm khổ hạnh cực đoan. Bát sữa của nàng chăn bò Suyata là minh chứng tiêu biểu cho một chân lý vô cùng giản dị: Sức khỏe là nền tảng của mọi nền tảng, là tài sản lớn nhất của con người. Khi nào con người còn sức khỏe, khi đó con người còn niềm vui, còn hy vọng, còn ước mơ và còn niềm tin vào cuộc sống. Cổ nhân dạy rằng “Khang kiện đệ nhất lạc”, nghĩa là hạnh phúc nhất trong cuộc đời là sức khỏe và vô bệnh.

Khi còn tại thế, mỗi khi gặp chúng đệ tử, điều mà Đức Phật quan tâm nhất đó là câu hỏi han: này các đệ tử, lúc này có ít bệnh (sức khỏe) và ít phiền não (tinh thần) không? Điều đó cho thấy, với Đạo Phật: “thân khoẻ” sự khỏe mạnh về thể xác và “tâm an” niềm vui về tinh thần là mục đích thiết thực của người tu hành, cũng như mong muốn của nhân loại.

Đạo Phật là một tôn giáo đến để mà thấy chứ không phải để mà tin. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Phật giáo luôn lấy giáo dục là phương thức căn bản để xây dựng con người giải thoát và an vui. Con người muốn lời nói và việc làm của mình trở nên tốt và thánh thiện thì trước hết phải có tư duy tốt và thánh thiện. Muốn có tư duy tốt và thánh thiện, không có con đường nào khác ngoài giáo dục mà nên. Phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” của Phật giáo biểu hiện cho tư tưởng lấy trí tuệ là kim chỉ nam và nền tảng cho tất cả các pháp môn tu học của người tu hành.

Từ những ý tưởng nêu trên, với Phật giáo, sức khỏe và trí tuệ là hai “tư lương” quan trọng nhất trên lộ trình tu tập. Bỏ qua một trong hai yếu tố trên đều không đưa con người đến bến bờ giải thoát an vui tối hậu. Để đạt được hai yếu tố trên chính là thông qua con đường giáo dục và tu dưỡng. Khi con người hoạt động dựa trên sự nhận thức đúng đắn thì mọi hoạt động của con người đều là đúng đắn, ngược lại, thiếu nền tảng giáo dục thì nhận thức có thể sai lầm, khi nhận thức sai lầm thì mọi hành động dễ có thể làm tổn hại đến thân thể, cũng như gây phiền não cho mình và người khác.

Hiện nay, nhiều căn bệnh nan y không có thuốc chữa mà nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của chính con người cũng như những thói quen sinh hoạt không khoa học đang là mối quan tâm lo ngại chung của các cộng đồng xã hội. Những phương pháp tu tập của Đạo Phật như thiền quán, ăn chay...đang chung tay góp phần phòng ngừa và giảm thiểu những căn bệnh do việc ăn uống thiếu điều độ và áp lực căng thẳng của cuộc sống gây ra.

c2

Việc ra đời của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về vai trò to lớn của sức khỏe đối với đời sống con người, hướng tới mục tiêu  “giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tỷ lệ tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sự gặp gỡ nhau giữa tư tưởng của Phật giáo với những nhiệm vụ mà Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đặt ra giúp cho chúng tôi, những tu sỹ Phật giáo nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng cống hiến hết khả năng của mình vì một thế giới khỏe mạnh, trí tuệ và nhiều niềm vui.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn hưởng ứng khẩu hiệu mà Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã đưa ra “Đồng tâm hiệp lực vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nhân tài cho đất nước”. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, triển khai các hoạt động cụ thể, hình thành các cơ sở giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các cơ sở tôn giáo của Giáo hội, chăm lo sức khỏe và tinh thần cho nhân dân, phật tử.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thượng tọa Thích Thọ Lạc 

          Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

comment Bình luận

largeer