Phát hiện các ca COVID-19 không triệu chứng sau khi xét nghiệm đại trà

Xét nghiệm đại trà sàng lọc bằng kỹ thuật tìm kháng nguyên virus nhằm phát hiện nhanh ca nhiễm để truy vết và đưa đi cách ly, song đến nay rất ít quốc gia áp dụng.
05/12/2020 06:40
Xét nghiệm đại trà, phát hiện các ca COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 1.

 

Xét nghiệm kiểm tra nhiễm COVID-19 tại Korneuburg (Áo) ngày 27/11 - Ảnh: REUTERS

Áo dự kiến sau khi dở bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 6/12 sẽ tổ chức xét nghiệm đại trà cho toàn bộ 8,9 triệu dân trong tuần trước lễ Giáng sinh.

Một trung tâm xét nghiệm lớn đã được xây dựng ở Vienna vào cuối tháng 11 vừa qua. Kỹ thuật được áp dụng là xét nghiệm kháng nguyên. Kết quả có ngay sau 10 phút.

Để loại trừ trường hợp dương tính giả, Áo sẽ kiểm tra lại lần nữa bằng xét nghiệm RT-PCR.

Slovakia phát hiện 1% dương tính

Slovakia ở Trung Âu là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành xét nghiệm đại trà cho toàn bộ dân bằng xét nghiệm kháng nguyên.

45.000 chuyên gia y tế, binh sĩ và cảnh sát được huy động xét nghiệm cho 5,5 triệu dân tại 5.000 điểm.

Xét nghiệm hoàn toàn miễn phí được tổ chức trong 3 ngày cuối tuần từ đầu tháng 11/2020.

Ai có kết quả dương tính phải tự cách ly 10 ngày. Những người có kết quả âm tính được cấp giấy chứng nhận cho phép tự do lưu thông trong nước.

Xét nghiệm không bắt buộc, nhưng ai từ chối xét nghiệm mà không có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính phải chịu cách ly.

Họ không được đi làm, nhưng có thể ra ngoài mua vật dụng thiết yếu, hoặc đi khám bệnh. Người vi phạm bị cảnh sát phát hiện sẽ bị phạt nặng.

Theo báo Le Monde (Pháp), khoảng 1% số người xét nghiệm đã có kết quả dương tính.

Ba tuần sau chiến dịch xét nghiệm, số ca nhiễm COVID-19 đã giảm nhưng rất khó biết có phải do chiến dịch xét nghiệm đại trà hay do các biện pháp phong tỏa được thực hiện vào cuối tháng 10/2020.

TS Antoine Flahault - giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Genève (Thụy Sĩ) - nhận xét: "Chúng tôi ghi nhận virus vẫn tiếp tục lưu hành".

Chính phủ Slovakia thừa nhận xét nghiệm kháng nguyên miễn phí có thể đã làm giảm số người xét nghiệm RT-PCR (có trả tiền) dẫn đến kết quả nhiễm COVID-19 giảm giả tạo trong khi kết quả xét nghiệm RT-PCR là cơ sở dữ liệu duy nhất để thống kê dịch tễ học hàng ngày.

Dù vậy, Thủ tướng Igor Matovic vẫn muốn tiếp tục xét nghiệm đại trà trong ba ngày cuối tuần trong  tháng 12.

Xét nghiệm đại trà, phát hiện các ca COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 2.

 

Xét nghiệm đại trà ở Trenčianske Stankovce (Slovakia) ngày 7/11 - Ảnh: REUTERS

Ở những nơi khác trên thế giới

Luxembourg không xét nghiệm đại trà cho toàn bộ dân số mà chỉ kiểm tra các mẫu đại diện, xét nghiệm miễn phí và không mang tính chất bắt buộc.

Có bốn thành phần cư dân được xét nghiệm, gồm những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường dễ lây nhiễm (nhân viên y tế, cảnh sát…); lấy mẫu dân số chung và lao động xuyên biên giới, du khách nhập cảnh và những người sống trong các ổ dịch.

Xét nghiệm được thực hiện bằng phương pháp RT-PCR tại 8 trung tâm sàng lọc. Một đội xét nghiệm lưu động cũng được thành lập.

Xét nghiệm đại trà ở cấp thành phố có Liverpool (Anh) đã làm thí điểm xét nghiệm đại trà từ ngày 6/11 cho 500.000 dân.

Chiến dịch kéo dài đến ngày 27/11 tại 85 trung tâm xét nghiệm.

Chiến dịch áp dụng kỹ thuật kháng nguyên và lấy mẫu nước bọt. Ai có kết quả dương tính sẽ được xét nghiệm RT-PCR lần nữa cho chắc. Người có kết quả dương tính phải cách ly 10 ngày.

Ý đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên đại trà hôm 21/11 tại Bolzano (miền bắc Ý) cho 500.000 dân.

Trong 400.000 ca xét nghiệm phát hiện 1% dương tính là những người nhiễm COVID-19 không bộc lộ triệu chứng.

Tại Trung Quốc, Vũ Hán cũng tổ chức xét nghiệm đại trà cho 11 triệu dân từ tháng 5/2020.

Xét nghiệm được áp dụng theo kỹ thuật gộp mẫu theo nhóm. Nếu nhóm nào có kết quả dương tính mới xét nghiệm từng mẫu trong nhóm đó.

Xét nghiệm đại trà, phát hiện các ca COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 3.

 

Quân đội được huy động tham gia chiến dịch xét nghiệm đại trà ở Liverpool - Ảnh: AFP

Thụy Sĩ từ chối sàng lọc bằng phương pháp xét nghiệm đại trà

Hội đồng khoa học nhận định xét nghiệm kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm RT-PCR.

Ngoài ra, Thụy Sĩ phức tạp hơn Slovakia vì bao gồm các bang tự trị nên khó thực hiện chiến dịch xét nghiệm đại trà về hậu cần và chính trị.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer