Phát hiện xương cá lạc trong gan của bệnh nhân nhiều ngày

Ngày 21/4, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết vừa thực hiện nội soi khá đặc biệt, gắp xương cá gây biến chứng viêm gan cho bệnh nhân Tuấn, 55 tuổi, tỉnh Bến Tre.
22/04/2021 14:14

Xương cá này được nuốt vào dạ dày nhưng khi phát hiện lại nằm trong gan, phải nhờ loại máy CT đặc biệt của bệnh viện mới phát hiện ra.

Theo lời bệnh nhân, hơn một tháng nay, ông thường xuyên mệt mỏi, chán ăn kéo dài, sụt 4 kg không rõ nguyên nhân. Thấy cơ thể phản ứng bất thường, lo ung thư nên ông đi nhiều bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm dạ dày, trào ngược thực quản. Dù uống thuốc theo đơn nhưng bệnh vẫn không khỏi, ông đến TP HCM kiểm tra. Sau khi được bác sĩ phòng mạch tư siêu âm, phát hiện gan to bất thường, nghi ngờ u gan, ông Tuấn tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Đình Thành - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - người trực tiếp khám cho bệnh nhân, chia sẻ, kết quả xét nghiệm ghi nhận thiếu máu nhẹ, chỉ số men gan tăng 440 UI/L (chỉ số người bình thường dưới 60 UI/L) nhưng lại âm tính với viêm gan B, viêm gan C. Kết quả chụp CT scan bụng phát hiện phía bên trái của gan có kích thước lớn, thùy trái có tổn thương dạng thâm nhiễm, có ít dịch dưới gan thùy trái dày 1-3 mm, ít dịch hạ vị dày 6-13 mm. Giữa thùy trái gan và dạ dày có dị vật dài khoảng 3 cm dạng xương, một đầu nằm trong dạ dày, đầu còn lại nằm ở gan.

hinh-anh-3895-1619057612

Từ kết quả CT scan, các bác sĩ nhận định, dị vật bất thường trong đường tiêu hóa khiến gan bệnh nhân sưng to, có tổn thương dạng viêm nhưng chưa hóa mủ. Ngay lập tức, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa của bệnh viện cùng hội chẩn ca bệnh để có phương án xử lý gắp dị vật. Các bác sĩ xác định do dị vật đâm sâu vào dạ dày, nếu xử lý nội soi không đạt sẽ tính tới phương án mổ hở.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng - người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân - cho biết, khi nội soi cho bệnh nhân, thành dạ dày sạch, không có dấu hiệu xuất huyết, viêm loét. Tuy nhiên, tại bờ cong dạ dày, đoạn sát gan có lồi lên đốm mủ trắng.

"Khi dùng dụng cụ bơm rửa, tôi đã phát hiện dấu vết xương tại đây và gắp dị vật thành công trong vòng 5-7 phút. Dị vật được xác định là xương cá, nhọn và dài 3 cm. Trường hợp bệnh nhân nuốt dị vật vào trong dạ dày rất phổ biến, nhưng đâm thủng dạ dày, xuyên qua gan, đi qua hai cơ quan như của bệnh nhân Tuấn hiếm gặp. Có thể do sức co bóp dạ dày tạo điều kiện cho mảnh xương có thể đâm xuyên qua dạ dày, gây tổn thương gan", bác sĩ Hùng nói.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân rất may mắn khi "lỗ thủng" ở gan chỉ viêm nhẹ, chưa hình thành áp-xe, nếu không sẽ phải xử lý nhiều hậu quả về sau. Thế giới đã ghi nhận các trường hợp dị vật đâm vào gan dẫn đến biến chứng nặng do nhiễm trùng, có thể tử vong.

Sau ca phẫu thuật, do lỗ đâm thủng dạ dày vẫn còn nên bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, đặt ống dẫn lưu cho dịch vị thoát ra, tạm ngừng ăn uống qua đường miệng để dạ dày được nghỉ ngơi. Trường hợp xấu, nếu lỗ thủng không bít lại, chảy dịch dạ dày, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để vá lỗ thủng. May mắn sau khi gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Các xét nghiệm cho kết quả tốt, bệnh nhân được chụp CT scan kiểm tra lần thứ 2, không còn phát hiện dị vật.

Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân Tuấn cho biết vui mừng khi được chẩn đoán chính xác căn bệnh mắc phải bấy lâu nay, không còn bồn chồn, lo lắng vì nghi ngờ ung thư gan.

"Trước đây tôi cũng có ăn cá, các món nhậu như cánh gà, nhưng không biết nuốt phải xương cá từ khi nào. Chỉ khi thấy cơ thể mệt mỏi kéo dài, chán ăn, da dẻ xấu mới đi khám nhiều nơi mà chưa đúng bệnh", ông Tuấn nói.

Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, dị vật trong đường tiêu hóa không chỉ trẻ nhỏ mà người trưởng thành vẫn có thể nuốt phải và gây biến chứng nghiêm trọng nếu phát hiện chậm trễ. Những trường hợp người lớn nuốt dị vật thường gặp như uống thuốc quên tách vỏ, thói quen ngậm tăm rồi vô tình nhai nuốt nhanh, nhất là nói chuyện khi ăn uống dễ sặc và nuốt phải dị vật.

Những dấu hiệu ban đầu giúp dễ nhận biết khi nuốt phải dị vật như nuốt vướng, đau cổ họng, sặc hoặc khó thở nếu dị vật lọt đường thở. Nếu dị vật đi xuống dạ dày có thể gây đau bụng, ở ruột non có thể đi cầu ra máu, đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thành, những triệu chứng cảnh báo này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên bệnh nhân có dấu hiệu bất thường cần được đến cơ sở y tế để thăm khám, kịp thời xử lý đưa dị vật ra ngoài.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer