Phẫu thuật lấy lại dáng đi cho bé 13 tuổi bị vẹo cột sống

Bác sĩ ghi nhận cột sống ngực của bé bị gù vẹo, biến dạng khá nặng, góc vẹo 50 độ. Tình trạng này kéo dài từ lâu, gần đây các triệu chứng nặng hơn.
25/03/2021 07:15

Bệnh nhi đang trong độ tuổi phát triển nhanh nhất của giai đoạn dậy thì, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh cột sống, ngày 22/3, cho biết nếu tiếp tục trì hoãn điều trị, cột sống của trẻ sẽ gù vẹo trầm trọng hơn, ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt cũng như tâm lý.

Cuộc hội chẩn liên viện giữa các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 quyết định phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống bằng hệ thống nẹp vít qua cuống và các dụng cụ chỉnh hình chuyên dụng. Ca phẫu thuật diễn ra trong 4 tiếng.

pt

Kíp phẫu thuật đang nắn chỉnh vẹo cột sống cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện, bé trong quá trình phục hồi, không tổn thương về thần kinh. Dự kiến hai đến ba ngày nữa bệnh nhi sẽ được tập luyện phục hồi chức năng đi lại.

Gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị hơn 20 trường hợp gù vẹo cột sống ở các mức độ khác nhau. Thông qua thăm khám và chụp chiếu, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp và theo dõi xuyên suốt để thay đổi phác đồ.

Gù vẹo cột sống là bệnh lý thường gặp ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Bệnh ở trẻ em thường do tự phát, xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giai đoạn dậy thì. Một số nguyên nhân khác là di truyền, dị tật cột sống bẩm sinh hoặc tư thế ngồi không đúng, mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi...

Tình trạng gù vẹo cột sống đang phổ biến, đa số bệnh nhân điều trị trong tình trạng muộn, để lại những ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn nguy hại đến chức năng của tim, phổi cũng như các tạng nếu không điều trị sớm.

Các bác sĩ khuyến cáo gia đình khi phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của con nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị.

Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể được điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi, tích cực vận động, chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình..., từ đó ngăn vẹo diễn biến nặng, phải phẫu thuật, mất nhiều thời gian bình phục.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer