Phẫu thuật nối xương thành công cho chiến sĩ trẻ bị ung thư

Ngày 19/9, bác sĩ Phạm Xuân Tuấn, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa phẫu thuật nối xương thành công cho bệnh nhân là một chiến sĩ trẻ mới 22 tuổi.
19/09/2022 16:40

Ban đầu, bệnh nhân bị đau khớp gối phải khoảng 2 tháng. Khi chơi thể thao, anh cảm thấy mức độ đau nhiều hơn ở mặt ngoài khớp. Sau đó, bệnh nhân chụp CT Scanner khớp gối phải phát hiện tổn thương hủy xương lồi cầu ngoài. Kết quả sinh thiết xác định anh bị ung thư xương ác tính (sarcoma).

Bác sĩ Phạm Xuân Tuấn cho biết, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u lớn, phát triển không kiểm soát, không đáp ứng hóa trị, phương pháp chủ yếu là phẫu thuật đoạn chi. Do bệnh nhân còn quá trẻ, các bác sĩ đặt mục tiêu không chỉ cứu sống mà phải giúp anh thoát cảnh tật nguyền.

npfile182905-1-16635667192241191706620

Đôi chân bệnh nhân sau phẫu thuật thành công (Ảnh: BVCC)

Sau 3 đợt hóa trị, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u xương ác tính, nạo bỏ toàn bộ khối u. Phần xương vừa cắt ra được ngâm trong dung dịch Nitrogen bảo quản lạnh 20 phút rồi rã đông trong nhiệt độ phòng 15 phút và rã đông trong nước cất 10 phút.

Ê-kip tiếp tục tái tạo lại lồi cầu ngoài bằng xương mào chậu kết hợp với xi măng. Xương sau khi tái chế được cấy ghép lại vào chân người bệnh. Các bác sĩ đã kết hợp xương bằng 2 nẹp vít, tái tạo lại dây chằng bằng chỉ siêu bền.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục phải hóa trị bổ trợ thêm 5 đợt. Đến nay, không ghi nhận biến chứng.

Bác sĩ Tuấn cho hay, sau 3 tháng phẫu thuật, người bệnh đã tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, khớp gối vận động gấp được 90 độ. Quan sát trên phim X-quang thấy đang liền xương và không ghi nhận di căn.

"Kỹ thuật tái chế xương bằng cách đông cứng khối u xương bằng Nitrogen bảo quản lạnh sau khi cắt bỏ, đã mang lại kết quả bước đầu khả quan, liền vết mổ kì đầu, không có tái phát tại chỗ sau mổ, không có di căn xa", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, kỹ thuật này có thời gian điều trị ngắn. Việc tái chế xương đơn giản vì chỉ ngâm trong dung dịch nitrogen bảo quản lạnh, bảo tồn được sụn khớp và dây chằng, cố định xương vững chắc bằng nẹp vít, không nhiễm trùng và tái phát tại chỗ sau mổ, không sự phụ thuộc vào ngân hàng mô xương, dễ dàng gắn kết dây chằng, gân cơ và phần mềm vào khối xương sau khi cấy ghép lại, không giống như cấy ghép kim loại. Ngoài ra, xương cấy ghép hoàn toàn phù hợp về cấu trúc giải phẫu và không bị thải ghép sau cấy ghép lại, chi phí rẻ cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm xương sau cấy ghép sẽ thoái hóa và giảm mật độ xương theo thời gian.

Được biết, phẫu thuật bảo tồn chi trong bệnh lý u xương ác tính rất khó khăn, đòi hỏi phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế chuyên dụng. Các bác sĩ phải đánh giá thật kỹ mức độ khả quan giữa phẫu thuật đoạn chi hay bảo tồn trên từng trường hợp. Việc bảo tồn chi giúp người bệnh tự tin và hy vọng vào cuộc sống, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ tuổi.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer