Phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình nhiều nhất trong đại dịch

Theo Liên Hiệp Quốc cho biết, năm 2020, bạo lực trên cơ sở giới, bất bình đẳng tại nơi làm việc và mức lãnh đạo chính trị của phụ nữ đang quay về cột mốc như 25 năm trước.
24/10/2020 11:10

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres nhận xét: “Chúng ta chỉ có sự tăng trưởng khiêm tốn trong giáo dục và giảm tỷ lệ tử vong ở thai phụ, kể từ khi 189 thành viên LHQ đưa ra cam kết về quyền phụ nữ tại một hội nghị mang tính bước ngoặt ở Bắc Kinh năm 1995”. Ông Guterres nói thêm: “Không quốc gia nào đạt được bình đẳng giới và cuộc khủng hoảng COVID-19 có nguy cơ làm xói mòn những thành quả hạn chế mà chúng ta đạt được”. 

phu nu

Các nữ nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của cư dân nhằm phát hiện triệu chứng COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: Redux

Được học nhưng chưa được làm

Theo báo cáo của LHQ, trẻ em trai và gái có cơ hội tham gia bậc học phổ thông như nhau, đồng thời phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới trong việc đăng ký học đại học. Tuy nhiên, chưa đến 50% số phụ nữ làm việc trong thị trường lao động được trả lương, thấp hơn đáng kể so với nam giới (75%). Khoảng cách này duy trì ổn định từ năm 1995.

Jeni Klugman - Giám đốc điều hành Viện Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Đại học Georgetown (Mỹ) - chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng, thật tốt khi các em gái hoàn thành bậc phổ thông và ngày càng có nhiều phụ nữ vào đại học, nhưng rõ ràng, điều đó là chưa đủ”.

Số liệu của LHQ cho thấy, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động đặc biệt thấp, dưới 30% ở Nam Á, Bắc Phi và Tây Á. Trong số những phụ nữ độc thân từ 25 đến 54 tuổi, 80% có việc làm, nhưng nếu họ có bạn đời và con cái, tỷ lệ này giảm xuống dưới 50%.

Gánh nặng của cuộc chiến chống COVID-19

Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra rằng, trong khi nam giới có nguy cơ tử vong do các vấn đề liên quan đến COVID-19 cao hơn, phụ nữ lại có nhiều khả năng nhiễm bệnh hơn (chiếm 70% số nhân viên y tế trên tuyến đầu) và được trả lương ít hơn 28% cho cùng một công việc. Francesca Grum - Trưởng nhóm thống kê về giới và xã hội của LHQ - cho biết: “Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao bởi họ đang ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch thay cho mọi người”.

Khi thế giới bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, thời gian mọi người ở nhà nhiều hơn, phụ nữ thường phải chăm sóc ba thế hệ, đầu tiên là trẻ em do trường học đóng cửa, kế đến là cha mẹ và người thân cao tuổi do hệ thống y tế và viện dưỡng lão hạn chế số lượng tiếp nhận, cuối cùng là yêu cầu giữ an toàn cho bản thân, bạn đời, đại gia đình và bạn bè. 

Bên cạnh đó, trong đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với bạo lực gia đình nhiều nhất. 18% phụ nữ toàn cầu tham gia khảo sát của LHQ cho biết, họ đã trải qua bạo lực thể chất, bạo lực tình dục từ bạn đời trong vòng 12 tháng qua. Ở châu Đại Dương, ngoại trừ Úc và New Zealand, tỷ lệ bạo hành lên đến 35%. 

Tiến bộ chậm trong vai trò lãnh đạo

Theo LHQ, tiến bộ về bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị diễn ra ở tốc độ chậm khi chỉ có thêm tám nữ nguyên thủ quốc gia so với năm 1995. Tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý cũng xấp xỉ năm 1995.

Đây là vấn đề đáng chú ý khi giữa đại dịch, dường như các nhà lãnh đạo nữ thể hiện vai trò nổi trội hơn nam giới. Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các quốc gia do nữ giới lãnh đạo xử lý đại dịch COVID-19 tốt hơn nhiều so với các nước do nam giới đứng đầu.

Trung tâm này lý giải, vấn đề trên có thể do “phản ứng chính sách mang tính chủ động và phối hợp” mà các nhà lãnh đạo nữ lựa chọn, điển hình như Đức và New Zealand. Sự đồng cảm cho phép những nhà lãnh đạo nữ nhanh chóng nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của tình huống, đồng thời ra quyết định kịp thời giúp hành động được thực hiện nhanh chóng mà không chịu nhiều tác động về cái tôi cá nhân hoặc lợi ích chính trị. 

Theo Báo Phụ nữ TPHCM

comment Bình luận

largeer