Phú Thọ: Nam thanh niên 21 tuổi bị bỏng do điện cao áp phóng qua cần câu khi đang câu cá

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 21 tuổi, bị bỏng do điện cao áp phóng qua cần câu khi đang câu cá.
05/07/2024 08:40

Tổn thương bỏng tại vùng bụng và tay phải là những nốt phỏng nước trên nền da đỏ, có những vị trí bỏng đến lớp trung bì, tổn thương tổ chức hạt. Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng điện độ II và độ III, diện tích 8%. 

Sau khi giảm đau, bù dịch và băng bỏng, bệnh nhân được dùng thuốc chống uốn ván, kháng sinh chống nhiễm trùng, theo dõi sát hội chứng tiêu cơ vân.

image_gallery

Y bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, nhưng chỉ số xét nghiệm CK tăng rất cao, đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích và suy thận. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là diễn biến thường gặp đối với người bị điện giật và nằm trong tầm kiểm soát.

BSCKI. Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Tiêu cơ vân là một hội chứng lâm sàng làm hủy hoại các tế bào cơ vân, giải phóng myoglobin, kali, photpho... vào máu, khiến người bệnh bị rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, sốc giảm thể tích và suy thận cấp. Tiêu cơ vân là hậu quả của chấn thương do tai nạn giao thông, sập hầm, đổ nhà, động đất... Ngoài ra, người bị bỏng rộng, đặc biệt bỏng do điện giật hoặc sét đánh cũng mắc hội chứng này.

Bác sĩ khuyến cáo: Tuyệt đối không câu cá, thả diều, tập thể dục, vui chơi... dưới đường điện cao áp, vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Các trường hợp bị điện giật, kể cả những trường hợp không tìm thấy tổn thương bằng mắt thường cũng cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer