Phục hồi chức năng hậu COVID-19

Các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, thường gặp như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, rối loạn đông máu…
14/04/2022 08:55

Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch. Mặc dù vậy, đa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình, tỷ lệ bệnh nhân phục hồi rất cao và khả quan nhưng để lại một số di chứng có ảnh hưởng lên các hệ cơ quan nói chung và nhất là ở hệ hô hấp, mục tiêu tấn công trực tiếp của virus.

Empty

Hậu COVID-19, nhiều người bệnh đến thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, thường gặp như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, rối loạn đông máu… Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban… Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng. Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn. Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực), rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim... Suy giảm chức năng kể trên sau COVID-19 có thể làm hạn chế khả năng của người bệnh khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày, thay đổi hiệu suất làm việc và cản trở giao tiếp xã hội.

Empty

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho bệnh nhân

Ngoài ra, những người bị ảnh hưởng có thể trở nên ít vận động hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm. Ngày nay, mặc dù vẫn bắt buộc phải hành động để giảm nguy cơ tử vong, nhưng các cơ sở chăm sóc sức khỏe cần phải điều chỉnh lại các chiến lược của mình để hướng tới mục tiêu phục hồi chức năng và thể chất, cũng như tái hòa nhập xã hội của những cá nhân đó thông qua phục hồi chức năng. Do đó, nhu cầu của xã hội về vấn đề phục hồi chức năng (PHCN) hậu COVID-19 ngày càng được quan tâm cấp thiết.

Theo các chuyên gia, người bệnh sau 4 tuần kể từ khi mắc COVID-19, có thể đi khám để kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 hoặc đi khám ngay khi xuất hiện một trong các triệu chứng hậu covid kể trên kéo dài nhiều ngày và ảnh hưởng đáng kể đến chức năng sinh hoạt và hoạt động sống hàng ngày. Ngoài tư vấn về chương trình tập phục hồi chức năng, người bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá và chẩn đoán tình trạng các cơ quan, kiểm tra tình trạng viêm và đông máu nhằm điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra.

Mục tiêu chính của chương trình phục hồi chức năng nhằm tạo một kế hoạch huấn luyện tốt cho các bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 trên, đồng thời theo dõi và báo cáo về các tình trạng tiếp theo của bệnh lý. Chương trình PHCN hậu covid sẽ dựa trên các triệu chứng suy giảm chức năng cụ thể từng bệnh nhân, không giới hạn về cách luyện tập, các bài tập, chủ yếu tập trung vào mục tiêu tăng cường khả năng thể chất, tâm lý và giúp người bệnh mau chóng trở lại hoạt động sinh hoạt và vận động bình thường. Các phương pháp PHCN sau COVID-19 chủ yếu gồm:

Hướng dẫn người bệnh kiểm soát hô hấp:

+ Lựa chọn tư thế dễ thở khi nằm, làm việc và khi hoạt động sinh hoạt.

+ Luyện tập kiểm soát hơi thở, thở gắng sức, tăng cường chức năng hô hấp.

+ Bài tập ho có kiểm soát, tăng cường lưu thông khí.

Bài tập vận động và hoạt động thể chất: tùy theo mức độ nặng các triệu chứng hậu covid của người bệnh mà xây dựng chương tình tập luyện thể chất phù hợp, dựa trên nguyên tắc bảo tồn năng lượng tránh mệt mỏi, gắng sức quá mức.PHCN các vấn đề rối loạn giọng và/hoặc rối loạn nuốt.Xây dựng chương trình dinh dưỡng, bao gồm cả vấn đề về khứu giác và vị giác.Quản lý các vấn đề về sự chú ý, trí nhớ và tư duy.Quản lý căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.Quản lý đau.Hoạt động trị liệu quay lại làm việc.

Người bệnh hậu COVID-19 có thể đến các cơ sở PHCN để được hướng dẫn tập luyện trực tiếp hoặc tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý các trường hợp có triệu chứng nguy hiểm khi tập luyện tại nhà, ví dụ như:

Khó thở tăng lên với các hoạt động tối thiểu mà không cải thiện với bất kỳ tư thế giúp giảm khó thở hoặc không thể kiểm soát hơi thở;Đau ngực mới xuất hiện hoặc tăng lên, nhịp tim đập nhanh hoặc chóng mặt trong khi tập thể dục hoặc hoạt động;Rối loạn tâm thần kinh, suy giảm trí nhớ và sự tập trung ngày càng trầm trọng và/ hoặc người bệnh ngày càng lo lắng và có ý nghĩ làm hại bản thân.Xuất hiện biểu hiện suy yếu mới ở vùng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể;Và bất kỳ triệu chứng khác có liên quan mà người bệnh không giải thích được nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia y tế.

Các triệu chứng hậu COVID-19 cần phải được theo dõi và cải thiện bằng các chương trình tập luyện phục hồi chức năng nói riêng và can thiệp y tế tổng thể nói chung. Các bài tập cần được duy trì từ 6-12 tháng để chắc chắn rằng chức năng cơ thể của bệnh nhân đã được phục hồi đáp ứng với các hoạt động sống hàng ngày.

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

comment Bình luận

largeer