Quả chanh kiên giúp sáng mắt, giảm buồn nôn và điều trị khó tiêu

Chanh kiên còn được gọi là chanh Hà Nội, có tên khoa học là Citrus limonia. Đây là loại chanh có chồi non màu tím, hoa cũng màu tím (có khi màu trắng nhưng thường thấy màu tím). Nước vắt từ quả chanh kiên được y học cổ truyền đánh giá cao vì nó điều trị khó tiêu, làm giảm cơn buồn nôn và đặc biệt là giúp sáng mắt.
20/11/2023 18:02

Được biết, thân cây chanh kiên chỉ cao khoảng 2 – 5m, có khi có gai, có khi không có gai. Đặc biệt, quả chanh kiên có kích thước khá to (với đường kính khoảng 2,5 cm) và có u ở đỉnh quả (vỏ quả cũng tương đối mỏng và nhẵn chứ không sần sùi như một số loại chanh khác).

Công dụng làm thuốc của quả chanh kiên

Quả chanh kiên là nguồn thu hoạch chủ yếu của loài chanh này và có vị chua nên thường được dùng làm gia vị (cách dùng cũng tương tự như nhiều loại chanh khác).

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị khó thở, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, nhức đầu, đau nhức mắt hay nóng trong người, bạn có thể vắt lấy một ít nước ép quả (khoảng 6 – 10g), hòa với nước rồi uống.

Khi bị nôn mửa, ho khan, bạn cũng có thể lấy quả chanh kiên thái vài lát mỏng, chấm với muối rồi nhai và nuốt.

Không chỉ thế, y học cổ truyền còn ghi lại cách dùng nước ép quả chanh kiên điều trị chứng sốt cao khiến cho co giật, trợn mắt ở trẻ nhỏ.

Cách dùng rất đơn giản: Vắt lấy nước từ quả, để nguyên chất rồi cho trẻ uống liên tục. Đồng thời, lấy vỏ quả bóp vắt để lấy tinh dầu và nước rồi xoa lên lồng ngực, sau đó xoa lên tay chân từ trong ra, đặc biệt là ở khuỷu tay và khe chân.

Quả chanh kiên. Ảnh: Caythuoc.org

Quả chanh kiên. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của lá chanh kiên

Lá chanh kiên có chứa tinh dầu Stachydrin (0,3 – 0,5%) và có vị the, khá thơm.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá của cây có tác dụng giải nhiệt, giúp dễ tiêu, tan đờm, ngừng ho, hoạt huyết và giảm nhức đầu.

Cách dùng: Mỗi ngày sắc lấy nước uống từ 6 – 10g lá.

Ngoài ra, với chứng cảm sốt nhưng không ra mồ hôi được thì dân gian cũng dùng 60 – 80g lá chanh kiên nấu nước rồi xông hơi giải cảm (đồng thời chắt một ít nước để uống).

Công dụng của rễ cây

Rễ cây chanh kiên cũng có dược tính và được dùng làm thuốc trong các bài thuốc kết hợp như:

Điều trị ho khan (gây mất tiếng): Lấy 15g vỏ rễ cây chanh kiên (bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ lấy lớp trắng), 15g rễ cây bươm bướm và 15g vỏ trắng rễ cây dâu, tất cả xắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống.

Dùng sơ cứu khi bị rắn cắn: Lấy 8g rễ cây chanh kiên, 2g củ gừng, 2g phèn chua và 4g hạt chanh, tất cả giã nát, cho thêm 100ml nước sôi vào và lược lấy nước (lược kỹ) rồi cho nạn nhân uống (lưu ý chia ra 2 lần uống trong ngày). Sau đó, ta đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để chẩn đoán thêm (ngày nay, cách này ít được dùng vì nó nhiều thành phần và không tiện lợi bằng cách dùng trái đu đủ non).

Thông tin thêm

Kết quả nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research cho thấy, tinh dầu chanh kiên còn có tác dụng làm giảm sự độc hại của Cisplatin (một loại hóa chất điều trị ung thư) lên thận của chuột thí nghiệm (thông qua cơ chế chống oxy hóa và chống viêm).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer