Quảng Trị: Rút ra những bài học và phương án để phòng tránh thiên tai

Thiên tai năm vừa qua diễn biến dị thường đã khiến miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng gánh chịu những hậu quả nặng nề về người, tài sản. Quảng Trị cần rút ra những bài học và phương án để phòng tránh, đối phó kịp thời với sự “nổi giận” của thiên nhiên mỗi khi “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão”.
29/06/2021 14:47

Thống kê cho thấy, thiên tai trên địa bàn đã làm 53 người bị chết, 2 người mất tích và 46 người bị thương; đau thương hơn cả là sạt lở núi nghiêm trọng tại địa bàn xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337; hơn 2.000 nhà dân bị hư hỏng và hơn 110.000 lượt nhà dân bị ngập nước. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt nông thôn hư hỏng nặng, sạt lở bờ sông bờ biển xảy ra nghiêm trọng. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 4.300 tỷ đồng. Lượng mưa đo được trong thời gian ngắn gần 4.000 mm, đây được xem là điều vô cùng bất thường của thời tiết tại địa phương này.

Lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ máy bay trực thăng Binh đoàn 18 - Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và lực lượng đặc công nước để thực hiện hoạt động cứu hộ người bị nạn trên tàu Vietship 01.

268

Thiên tai năm vừa qua ở Quảng Trị gây thiệt hại nặng nề về người và của

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, dẫu biết thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường và dù địa phương đã huy động tối đa lực lượng tại chỗ, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn, số người chết, bị thương vẫn nhiều. Từ đó thấy được năng lực, nguồn lực ứng phó với diễn biến của thiên tai của tỉnh vẫn còn yếu và thiếu. Chúng ta lâu nay thường nói “lực lượng 4 tại chỗ”, chỉ huy đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhưng trong thiệt hại do mưa lũ cuối năm vừa rồi, đặc biệt là thiệt hại về con người vẫn hết sức nặng nề. Khi thiên nhiên “nổi giận” và trước tình cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”, lúc đó chỉ những người ngay tại hiện trường mới kịp thời hỗ trợ nhau. Vậy phải thành lập những đội cứu hộ theo từng làng, thôn, khu phố gồm những người đủ sức khỏe, thông thạo địa hình để băng mình trong mưa to, lũ xiết. Đội cứu hộ này phải được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhóm nào cứu hộ nơi nào, nhà nào.

Theo ông Đồng, thực tiễn chỉ ra sau 2 đợt cứu hộ cứu nạn tàu Vietship 01 và sạt lở tại Hướng Phùng vừa qua cho thấy, phương tiện cứu hộ cứu nạn còn thiếu, lực lượng chưa chuyên nghiệp để ứng phó với diễn biến thiên tai trong tình hình mới, dù có tinh thần dũng cảm nhưng kỹ năng, năng lực vẫn còn hạn chế. Người dân còn thiếu kiến thức về kỹ năng phòng tránh thiên tai. Vì thế, đội ngũ cứu hộ cứu nạn cần được đào tạo bài bản chuyên nghiệp hơn và phải nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phù hợp với từng địa phương, từng vùng... để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất.

Về cách thức sản xuất để giảm thiệt hại do lũ lụt, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho rằng, cần nghiên cứu chọn lọc những giống cây trồng ngắn ngày, cực ngắn, bổ sung vào     cơ cấu giống nhằm tránh điều kiện bất lợi của thiên tai dịch bệnh. Đối với vùng thấp trũng, cần hỗ trợ hướng dẫn xây dựng chuồng nuôi chống lũ, gia cố nâng cấp chuồng trại kiên cố chống bão. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn và hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi tôm trong nhà kính nhà lưới, nuôi cá trong bể xi măng.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có trên 1.950 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, đạt gần 94% trong tổng số nhà tránh bão lụt đã được chính quyền địa phương này phê duyệt. Tỉnh còn trên 130 nhà tránh bão lụt chưa triển khai xây dựng được là do điều kiện của những hộ dân quá khó khăn. Tỉnh cho hay đang tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tránh bão lũ, đồng thời khuyến khích hộ có điều kiện xây dựng nhà loại này.

Trung ương, địa phương cần nâng cấp công tác dự báo, cảnh báo thời tiết. Tuyên truyền, vận động mạnh hơn nữa làm cho người dân ý thức được diễn biến khôn lường của thiên tai. Phương tiện, lực lượng, hậu cần dự trữ phải đầy đủ. Phải xem những thiệt hại do thiên tai gây ra là bài học đắt giá, để từ nay trở đi chúng ta phải xây dựng các chương trình, kế hoạch từ tổ chức sản xuất, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, linh hoạt hơn; giảm thiểu tối đa những thiệt hại về con người, tài sản gây ra bởi thiên tai...

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Theo TNMT

comment Bình luận

largeer